MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con công nhân học online: Điện thoại, máy tính mới là điều xa xỉ

Minh Phương LDO | 13/09/2021 20:49
Công nhân với đồng lương eo hẹp, dịch bệnh khiến cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn. Khi các con phải học online, việc mua chiếc điện thoại, máy tính mới là điều vô cùng xa xỉ với không ít công nhân.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Tới - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) có 2 người con: 1 bé học lớp 5, 1 bé lên lớp 1. Cả gia đình anh Tới gồm 4 người thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). 

Để có không gian sinh hoạt, anh Tới thuê 2 phòng trọ rồi đập thông thành 1, trên gác xép là nơi nghỉ ngơi của vợ chồng anh. Còn bên dưới đặt vừa đủ chiếc giường, bàn học cho các con và một chút không gian cho cả gia đình quây quần. 

Chia sẻ về chuyện học của con, anh Tới cho biết, năm nay vợ chồng anh có thêm gánh nặng vì cả 2 con đều học online. Năm trước, bé lớn sử dụng điện thoại của bố để học online, nay con thứ 2 lên lớp 1, điện thoại của vợ anh không đủ... xịn để con yên tâm học trực tuyến.
"Vợ tôi sử dụng điện thoại mua từ năm 2016 nên cấu hình có phần bị chậm. Học trực tuyến cần thiết bị nhanh, đường truyền tốt nhưng điện thoại của vợ tôi đã cũ, khi con học thường bị chập chờn, kết nối chậm" - anh Tới nói.

Lương công nhân của 2 vợ chồng anh ở mức 15 - 17 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay, cả vợ chồng anh Tới đều phải nghỉ ở nhà vì nơi ở cách ly. Không được đến công ty làm việc, anh Tới và vợ chỉ nhận được 70% lương trong vòng 14 ngày đầu. Không được đi làm gần 40 ngày, thời gian qua anh chị đều không được nhận lương.

Không có thu nhập trong khi tiền thuê trọ, sinh hoạt phí hàng ngày đều phải chi, nói về việc mua điện thoại mới cho con học, anh Tới lắc đầu: "Tôi động viên mình và các con phải chịu khó thôi, vì bây giờ tiền đâu để mua máy mới".

Còn gia đình chị Đặng Thị Mai có phần may mắn hơn vì con được học máy tính từ người thân cho mượn. Chị Mai là công nhân làm trong Khu công nghiệp Thăng Long 7 năm nay, chị có 2 cháu, một bé lớp 4; bé còn lại đang theo mẫu giáo.

Nhiều gia đình công nhân không đủ điều kiện để sắm máy tính mới cho con. Ảnh: Minh Phương

Chị Mai kể, năm trước con gái đầu học trực tuyến bằng điện thoại của bố mẹ, năm nay nhờ có người nhà cho mượn máy tính mà con chị thiết bị học trực tuyến.

Nhưng máy tính thuộc đời cũ, cũng có lúc con đang học thì mất kết nối, tự nhiên tắt màn hình, ngoài ra mạng chập chờn nên lúc được, lúc không. Cám cảnh thiếu thiết bị cho con học online nhưng chị Mai nói, cũng "bó tay" vì hiện không đủ chi phí để mua máy tính mới cho con.

Theo chị Mai tìm hiểu, máy tính có giá không dưới 10 triệu đồng, với tình hình hiện tại, cũng đành chấp nhận.

Chị Mai cho biết, chồng chị là tài xế xe công nghệ, những ngày Hà Nội giãn cách, chồng chị cũng phải nghỉ việc ở nhà. Còn chị Mai đã thực hiện "3 tại chỗ" tại công ty từ ngày 4.8, thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào lương công nhân của chị Mai.

Tối ngày 12.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tổ chức phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến.

Theo ông, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng.

Do đó, Thủ tướng mong muốn, thông qua chương trình cần phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ trong mấy ngày, chương trình đã huy động hàng triệu máy tính cho học sinh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước phí, phủ sóng vùng lõm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn