MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đặng Thị Thu Huệ lo lắng sẽ phải về quê nếu con không được học trường cấp 3 công lập. Ảnh: Lương Hạnh

Con công nhân khó vào trường công

hƯƠNG nHa LDO | 21/08/2023 07:56

Xa quê, 17 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Huệ chưa một lần dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Đến nay, chị lại trăn trở suy nghĩ việc cho con về quê với ông bà hay “gồng” mình lo khoản học phí khi con học cấp 3 dân lập.

Sớm về quê để con được đi học

Chị Đặng Thị Thu Huệ (40 tuổi, Thái Bình) - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam cùng chồng và 2 con nhỏ sống tại Dự án Nhà ở thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) từ năm 2015.

Căn phòng chị Huệ thuê có diện tích 75m2 với giá thuê khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, đã bao gồm chi phí điện, nước. Trước khi có con, vợ chồng chị phải thuê trọ tại những căn phòng ẩm thấp, chật hẹp và không có nhà vệ sinh riêng, giá khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Đi ở thuê đã lâu, chị Huệ chưa từng nghĩ đến việc sẽ sở hữu một căn nhà ở xã hội.

Hiện nay, tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chị Huệ phải lo mọi khoản chi phí cho hai con ăn học. Cháu lớn đang học lớp 8, cháu nhỏ đang học lớp 6 tại một trường công trên địa bàn huyện. Hàng tháng, ngoài tiền học phí ở trường, chị Thu phải chi trả tiền học thêm cho các con hết khoảng 2 triệu đồng.

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện tại, nữ công nhân cho biết, chị hy vọng các con đều được học tập tại trường THPT công lập. Thu nhập của gia đình chị không quá thấp so với nhiều gia đình công nhân khác trong khu công nghiệp, nhưng nếu phải đóng các khoản tiền học phí tại trường tư và các lớp học thêm, chị lo sẽ khó có thể chi trả.

“Sắp tới con trai lớn của tôi sẽ vào cấp 3. Nếu không thể cho cháu học trường công, hai vợ chồng tôi sẽ để cháu về Thái Bình ở với ông bà. Còn chúng tôi làm ở đây một thời gian nữa rồi cũng về quê để gia đình không xa cách” - chị tâm sự.

Mong con được học công lập bình đẳng

Khác với chị Huệ, chị Trịnh Thị Chung - công nhân Công ty TNHH KAI Việt Nam rất mong muốn mua được một căn nhà ở xã hội. Ngoài lý do “an cư lạc nghiệp”, chị Chung cho biết, nếu không có nhà, chị sẽ không có hộ khẩu thường trú tại đây, con gái không thể học tại trường cấp 3 công lập.

Vợ chồng chị Chung có 3 con, một cháu học lớp 8, một cháu học lớp 4, một cháu đang học mầm non. Mỗi lần nhận phiếu thanh toán học phí, chị chỉ biết thở dài.

“Hiện nay vấn đề lo lắng nhất của tôi là con sắp vào cấp 3, nếu không có nhà sẽ không có hộ khẩu, con tôi sẽ không được học cấp 3 ở trường công. Cùng là người dân sinh sống ở đây, quy định như vậy rất thiếu bình đẳng với chúng tôi” - chị Chung chia sẻ.

Chị Chung cũng từng tính đến các phương án như cho con học dân lập hoặc gửi con về quê. Song, cả 2 phương án này đều không khả quan. Học trường dân lập gần nhà thì chi phí cao, nếu cho con đi học xa hơn, chị phải thuê trọ hoặc tốn kém tiền xăng xe. Để con về quê, chị lo ngại khó kiểm soát được con khi ông bà đã cao tuổi.

Tại Quyết định 1117/QĐ-UBND TP Hà Nội về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, đề cập điều kiện dự tuyển của thí sinh đó là học sinh hoặc bố mẹ của học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc được xác nhận nơi thường trú tại Hà Nội. Quy định này khiến gia đình chị Huệ, chị Chung và rất nhiều gia đình công nhân có con vào đã và sắp vào cấp 3 không được thi vào công lập. Ngoài nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền và tình trạng thường xuyên giảm việc làm, không được tăng ca thường xuyên, giờ đây, những người mẹ công nhân lại thêm một trăn trở nữa về tương lai của con mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn