MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con công nhân "mắc kẹt" giữa dịch, không thể về quê đón năm học mới

Minh Phương LDO | 31/08/2021 13:10
Năm học mới 2021-2022 cận kề, công nhân càng bộn bề trong lo toan cho việc học của con. Từ học phí, sắm đồ dùng học tập... Năm nay đặc biệt hơn khi nhiều nơi đang thực hiện giãn cách, nhiều bố mẹ là công nhân không thể đưa con về quê kịp tựu trường với bạn bè.

Anh Quốc Lập (quê Tuyên Quang) - trước từng làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) nhưng anh xin nghỉ làm công ty, chuyển sang tài xế xe công nghệ. Nay dịch COVID-19 phức tạp, thành phố áp dụng lệnh giãn cách, anh Lập quyết định nghỉ hẳn công việc này.

Vợ anh Lập là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), hiện đang thực hiện "3 tại chỗ" ở công ty.

Anh có 2 người con, bé đầu năm nay lên lớp 6, bé út mới 2 tuổi. Vợ phải ở lại công ty, việc chăm sóc con cái đều do anh Lập đảm nhận. 

Giữa tháng 6.2021, anh đón con trai đầu lên nhà trọ cùng bố mẹ "chơi hè", đến thời điểm hiện tại, cháu vẫn chưa thể về quê kịp đón năm học mới.

 2 người con của anh Lập hiện không thể đến trường vì giãn cách.

Anh Lập kể, ngày 16.8, anh đến trường ở gần khu vực thuê trọ xin nhập học cho con nhưng phía nhà trường nói đã chốt hồ sơ từ 31.7, sẽ không nhận thêm học sinh. Sau đó, anh đến chính quyền xã xin giấy đi đường để đưa con về quê nhưng được yêu cầu "chờ hết giãn cách".

"Tôi rất đau đầu về vấn đề này. Năm nay con vào lớp 6, sẽ học sách giáo khoa theo chương trình mới, hết giãn cách tôi cho con về, sợ cháu không theo kịp bạn bè" - anh Lập lo lắng.

Không chỉ vậy, con thứ 2 của anh Lập cũng đã đến tuổi có thể gửi trẻ. Hiện nay các trường đóng cửa theo yêu cầu phòng dịch, anh không thể gửi con đến trường, vì vậy muốn tìm công việc trong thời gian này là không thể.

"Áp lực việc học của con, tiền bạc, công việc, mưu sinh khiến tôi nhiều đêm mất ngủ" - anh Lập chia sẻ.

Dịch phức tạp, con của công nhân chỉ có thể tự chơi trong phòng trọ. 

Cùng hoàn cảnh, chị Hoàng Thị Ánh - công nhân Công ty TNHH Panasonic (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho con gái học lớp 4 từ quê lên chơi với bố mẹ dịp nghỉ hè.

Chị Ánh thuê trọ ở thôn Hẫu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi đã có ca nhiễm COVID-19 nên khu trọ của chị cũng bị phong toả gần 1 tháng nay. 

Đón con lên chơi cùng, nhưng dịch kéo dài, chị chưa thể sắp xếp cho con đi chơi được ngày nào mà chỉ quanh quẩn ở nhà trọ. 

Chị Ánh bảo, chỉ còn vài ngày nữa con vào năm học mới nhưng con hiện vẫn "mắc kẹt" vì dịch. Dù chị đã xin học nhiều trường ở ngoài này nhưng vẫn không có kết quả, đành đợi Hà Nội hết giãn cách...

"Ở quê không học trực tuyến như thành phố, tình hình dịch phức tạp, sau này con có thể về quê, tôi rất lo lắng con sẽ không theo được các chương trình trên lớp" - chị Ánh bày tỏ.

Ngược lại, chị Phạm Thị Tuyết - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long lại đau đầu về khoản học phí, tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho con. 

Chị có 2 người con đều học cấp 2, năm học mới, nhà trường cho học sinh học trực tuyến vì thành phố vẫn giãn cách. Thời gian này, chị tìm hiểu nhiều nơi sắm máy tính cho con nhưng vẫn chưa mua được.

Phải tạm thời nghỉ ở nhà vì khu vực thuê trọ có ca mắc COVID-19, cả vợ chồng chị Tuyết đều là công nhân, đều không được thực hiện "3 tại chỗ" nên nguồn thu nhập chính giảm sút đáng kể. Vậy nên để chọn lựa chiếc máy tính phù hợp với túi tiền lại chất lượng là điều không dễ.

Chị Tuyết nghĩ cách sẽ mua máy tính cũ cho con. Nhưng theo chị khảo sát, giá máy tính cũ cũng gần 10 triệu đồng.

"Chỉ còn vài ngày nữa con bước vào năm học mới, nếu không đủ tiền mua máy tính cho con, vợ chồng tôi phải vay mượn thêm mới đủ" - chị Tuyết nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn