Bước vào năm học mới 2022-2023, hầu hết phụ huynh đều lo lắng trước thông tin tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Có hai con nhỏ, một cháu năm nay lên lớp 6, cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Luận (SN 1990, quê Thanh Hóa) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật.
Đã có 4 năm làm công nhân, nhưng mức lương cơ bản của chị Luận chỉ vào khoảng 4,7 triệu đồng/tháng. Chị Luận cho biết, hiện tại, công ty ít việc, chị chỉ được đi làm ca hành chính từ 8h đến 17h. “Không được tăng ca thì đương nhiên thu nhập sẽ giảm. Trước kia nếu “cày” nhiều, tôi cũng kiếm được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng”, chị Luận than thở.
Vợ chồng chị Luận đã sinh sống ở Hà Nội hơn 10 năm, từ lúc còn chưa có con đến khi có 2 con nhỏ. Thu nhập giảm cùng nhiều thứ phải lo toan đã khiến cuộc sống gia đình chị nhiều lần rơi vào cảnh lao đao.
Được biết, chồng chị Luận cũng làm công nhân tại KCN Thăng Long. Tuy nhiên, dù có thâm niên làm việc hơn 10 năm cùng công ty với vợ nhưng anh vẫn giữ mức lương cơ bản nhỉnh hơn vợ được vài trăm nghìn đồng.
Mỗi tháng ngoài tiền trọ, điện, nước và các chi phí sinh hoạt khác, vợ chồng công nhân này cũng gửi về biếu bố mẹ đôi bên một ít tiền.
Sắp đến năm học mới, để các con có điều kiện học hành tốt hơn, vợ chồng chị Luận đã phải cắt giảm mọi chi tiêu khác trong gia đình. “Mỗi lần đi chợ phải nâng lên, đặt xuống từng mớ rau. Cháu thứ 2 tôi cũng đổi loại sữa rẻ hơn dồn tiền chuẩn bị các khoản đóng đầu năm học mới cho cháu đầu”.
Để chuẩn bị cho con trai lên lớp 6, chị Luận đã sắm các loại sách giáo khoa, bút vở… hết hơn 1 triệu đồng. Vì chuyển cấp, cháu phải có đồng phục mới nên chị cũng đăng ký mua hết 1,3 triệu đồng.
“Lương cả hai vợ chồng chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, chi cho đủ thứ. Giờ thêm khoản chi là thêm gánh nặng. Tôi hy vọng Hà Nội tạm hoãn tăng học phí”, chị Luận bày tỏ.
Khi được biết thông tin về lộ trình tăng học phí, chị Lê Thị Bích Hải - công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEEV không khỏi lo lắng bởi nguồn thu của gia đình còn eo hẹp. Chồng chị Hải làm nghề bán hoa quả dạo. Thời gian vừa qua, hàng hóa ế ẩm, đã có lúc chị Hải “giật gấu vá vai”, vay mượn tiền của họ hàng, người thân để trang trải cho cuộc sống.
Căn phòng trọ gia đình chị Hải thuê có giá 600.000 đồng/tháng, điện 3.000 đồng/số, nước 30.000 đồng/khối. Chị Hải đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long được 5 năm. Với mức lương cơ bản khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Tính thêm tiền phụ cấp, tăng ca, mỗi tháng chị nhận về khoảng 8-9 triệu đồng. Khoản lo đầu năm học của con gái khiến chị không khỏi suy nghĩ.
Năm nay, con gái chị lên lớp 3, giá sách giáo khoa năm nay cao hơn 3 lần so với giá cũ. Nếu năm học cũ, con gái chị chỉ phải mua 6 cuốn bắt buộc gồm 2 cuốn Tiếng Việt (tập 1 và tập 2), Toán, Tự nhiên xã hội, Tập viết thì từ năm tới, chị Hải phải sắm cho con ít nhất hơn 10 cuốn sách...
“Gia đình có điều kiện thì chẳng đáng là bao nhưng gia đình nghèo thì tăng cái gì dù ít hay nhiều đều phải nghĩ ngợi”, chị Hải tâm sự.
Không chỉ vậy, chị Hải đăng ký một lớp học thêm tiếng Anh cho con với mức phí 80.000 đồng/buổi. Dù biết thêm khoản chi là thêm gánh nặng nhưng chị Hải vẫn gắng cho con đi học. “Tôi không muốn các con cũng khổ như mình”, nữ công nhân tâm sự.
Công đoàn Ngành Giáo dục Quảng Bình: Hỗ trợ xây dựng 2 nhà công vụ, 9 phòng học trị giá 1,7 tỉ đồng
Trong năm học qua, CĐ ngành Giáo dục Quảng Bình đã chú trọng chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CBNGNLĐ; công tác từ thiện, nhân đạo được các CĐCS hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, các hoạt động chăm lo đội ngũ CBNGNLĐ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được đẩy mạnh. Năm học 2021 - 2022, Ban Thường vụ CĐ Ngành đã kêu gọi hỗ trợ xây dựng 2 nhà công vụ, với 9 phòng học trị giá 1,7 tỉ đồng.
Ông Phạm Tiến Nam - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà CĐ đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong ngành tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực tham gia đổi mới giáo dục, đặc biệt là tăng cường năng lực nhà giáo đáp ứng yêu cầu tiếp cận đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông; tham gia có hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Qua phong trào thi đua và các cuộc vận động, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, được vinh danh. Tổng LĐLĐVN đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho CĐ ngành Giáo dục Quảng Bình; tặng 1 bằng khen cho cá nhân xuất sắc; tặng 1 bằng khen chuyên đề cho Trường THPT Dân tộc Nội trú Quảng Bình; UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen cho 2 cá nhân; CĐ Giáo dục Việt Nam tặng cờ thi đua cho 1 tập thể về thành tích “Dạy tốt, Học tốt”, tặng bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân; LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 13 cá nhân thuộc CĐ Ngành giáo dục tỉnh.LÊ PHI LONG