MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con đường trở thành chủ công ty nội thất của một sinh viên trường nghề

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/04/2023 09:39

Là sinh viên khóa đầu tiên của trường nghề, anh Thơm đã vượt qua nhiều khó khăn, áp dụng kiến thức được học, mở một công ty về thiết kế nội thất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động khác. 

Làm thêm để đổi một suất cơm trưa

Có mẹ và anh trai đều là vận động viên, Nguyễn Văn Thơm (SN 1992, Thạch Thất, Hà Nội) được gia đình hướng theo ngành sư phạm thể dục thể thao từ bé. Thế nhưng, do có niềm đam mê với công nghệ thông tin, anh tự tìm hiểu và năm 2010 nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường chuyên ngành quản trị mạng.

Điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, mỗi tuần đi học anh chỉ được bố mẹ chu cấp 200.000 đồng. Tính ra mỗi ngày anh chỉ có chưa đến 30.000 đồng để chi tiêu tất cả mọi thứ. Để có thể trang trải cuộc sống lúc đó, anh Thơm đã đi làm thêm rất nhiều việc.

Anh Thơm (ngoài cùng bên phải) khi còn là sinh viên trường nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Công việc làm thêm đầu tiên của tôi là đi đưa cơm ở căng tin trường. Hồi đó, đi làm chỉ để đổi lại một suất cơm buổi trưa, không có lương. Công việc thứ 2 của tôi rửa xe ở gần trường. Tiền lương được trả tính trên đầu xe, mỗi xe 10.000 đồng. Ngày nhiều được 5-6 xe, ít thì 1-2 xe, cũng có ngày không có xe nào” – anh Thơm nhớ lại.

Học đến năm thứ 3, anh được thầy cô, giúp đỡ, cho làm thiết kế banner, poster tại phòng tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, anh cũng đủ trang trải cuộc sống những ngày đó. 

Nhớ về kỷ niệm thời sinh viên, anh Thơm không khỏi thổn thức khi được thầy giáo chủ nhiệm hỗ trợ máy tính để học.

Thời sinh viên, anh Thơm từng tham gia nhiều chuyến tình nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Có hôm, thầy cùng tôi và 4-5 bạn nữa say mê học đến tận 2h sáng. Ký túc xá đóng cửa, chúng tôi ngủ lại lớp. Bây giờ nhóm bạn đó của tôi không có ai nghèo khó cả” – anh Thơm kể lại.  

Có nhiều kinh nghiệm làm việc phong phú, anh không gặp khó khi xin việc sau khi tốt nghiệp trường nghề. Một doanh nghiệp lớn về sản xuất thiết bị điện tử đã đến trường chiêu mộ người lao động. Anh may mắn được nhận vào doanh nghiệp này.

Anh Thơm chia sẻ: “Sáng thi lí thuyết, chiều thi phỏng vấn với các nhà tuyển dụng. Sau một tuần trả kết quả báo đỗ vị trí kĩ thuật viên. Năm 2010, vừa ra trường, cần lo cơm áo, gạo, tiền nên tôi đi làm luôn. Tôi gắn bó với công việc đó suốt 7 năm”.

7 năm trôi qua nhanh như chớp mắt, anh còn nhớ, tháng lương thử việc đầu tiên nhận về 3.752.000 đồng.

Trở thành chủ công ty thiết kế nội thất

Sau 2 năm gắn bó và cống hiến cho công việc, anh Thơm được cất nhắc lên vị trí quản lý, mức lương cao nhất từng được trả là 25 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, anh quyết định nghỉ việc và kết hợp với 2 người bạn, mở công ty thiết kế nội thất. Khó khăn không chỉ đến một lần trong đời, công ty mới, quy mô nhỏ, đau đầu nhất với vị giám đốc trẻ là tìm kiếm nhân lực.

Hiện tại, công ty của anh tạo ra việc làm cho nhiều lao động, trong đó có sinh viên của ngôi trường anh từng theo học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Lúc đi làm thuê là nhận tiền của người khác, còn lúc mở công ty là tiền của mình. Mỗi một bước đi đều rất gian nan, để lại cho tôi nhiều bài học xương máu. Nhân lực là thứ khiến cả 3 anh em đau đầu nhất. 3 ông sếp tuyển 1 nhân viên là cực khó” – anh Thơm nhận định.

Sau đó, anh phải trả một mức lương rất cao cho vị trí nhân viên đầu tiên. Đồng thời, tìm kiếm thực tập sinh ở chính ngôi trường nghề mình từng theo học. Từng trải qua thời gian như các em, anh Thơm hướng dẫn, chỉ bảo cho sinh viên theo cách một đàn anh khóa trên giúp đỡ đàn em khóa dưới.

Anh Thơm (thứ hai tính từ trái sang) khi đã trở thành chủ công ty thiết kế nội thất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện nay, khi công ty đã dần đi vào hoạt động ổn định với khoảng 30 nhân sự, anh Thơm cảm thấy tự hào khi góp phần đẩy mạnh sản xuất đồ gỗ của quê hương.

Vị giám đốc trẻ đưa lời khuyên: “Mỗi người đều có sở thích riêng, một lựa chọn riêng. Tuy nhiên, đứng trước quyết định quan trọng, bạn hãy dành thời gian để nghe lời khuyên của những người đi trước. Nếu bạn thực sự đam mê với một ngành, nghề nào đó thì hãy quyết tâm làm hết sức. Đừng bỏ giữa chừng, đứng núi này trông nói nọ, đừng nhìn những thứ xung quanh, bạn nhất định sẽ làm được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn