MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con trẻ bệnh triền miên dịp hè, người lao động đứng ngồi không yên

Phong Linh LDO | 30/06/2024 06:30

Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ bị bệnh tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng... khiến nhiều phụ huynh, nhất là người lao động đang làm việc tại các nhà máy đứng ngồi không yên.

Nghỉ làm để chăm con

Đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sốt và ói liên tục, chị Đặng Thị Hường (làm việc tại Công ty TNHH Lạc Tỷ, tỉnh Hậu Giang) buộc phải nghỉ làm để chăm sóc con. Chị cho biết, mặc dù công việc tại nhà máy vẫn đang dở dang, phải đẩy mạnh năng suất nhưng sức khỏe của con gái vẫn là trên hết.

"Sốt ruột khi con nằm viện dài ngày nên tôi có báo cáo tổ trưởng xin tạm nghỉ, chờ con khỏe hẳn. Đầu hè, con tôi chỉ bệnh vặt, uống thuốc là khỏe, mình không nghĩ bé lại có ngày bị nhiễm trùng đường ruột như thế” - chị Hường nói.

Chị Hường sốt ruột lo con bị bệnh về đường tiêu hóa. Ảnh: Phong Linh

Con 6 tháng tuổi đang nằm viện tại khoa Tiêu hóa, anh Sô Oanh Tha (làm việc tại phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) bày tỏ: "Dù gia đình đã cẩn trọng trong việc ăn uống nhưng bé vẫn bị bệnh vào hè, tôi cũng đã nghỉ việc hơn 4 hôm và mong con mau khỏe".

Từ ngày con mắc tay chân miệng và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, chị L.T.T.N (Bình Minh, Vĩnh Long) cũng gác lại công việc tại nhà máy.

"Bé hay sốt và chỉ chịu mẹ chứ không chịu cha. Nhà tôi lo lắm, không chỉ tôi mà chồng tôi cũng không có tinh thần để làm việc. Tôi hy vọng bé mau khỏe và khi trở về nhà, chúng tôi sẽ cẩn trọng phòng bệnh cho con cũng như chú trọng vệ sinh", chị N nói.

Thời điểm giao mùa, nhiều phụ huynh là công nhân, người lao động sốt ruột chăm sóc con tại bệnh viện. Ảnh: Phong Linh

Bác sĩ tư vấn

Số liệu từ Phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ), đối với Khoa tiêu hóa, từ đầu năm đến nay có 2807 trường hợp khó tiêu chức năng điều trị nội trú, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Khoa Truyền nhiễm, đến nay có hơn 800 trẻ điều trị nội trú, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5 có hơn 130 ca điều trị nội trú và chỉ 10 ngày đầu tháng 6 đã có hơn 50 bệnh nhi. Ngoài ra, cũng đã có gần 300 trẻ bệnh sốt xuất huyết nhập viện và điều trị tại Khoa sốt xuất huyết.

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa I Trần Lê Thảo Nguyên (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) thông tin, khoảng 2 tuần gần đây, số ca mắc các bệnh về tiêu hóa phải nhập viện tăng vọt. Tại Khoa Tiêu hóa có 110 giường nhưng hầu như đã đầy bệnh nhi. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp tục nhận thêm hơn 20 trường hợp nhập viện, đỉnh điểm có ngày lên đến 40 ca.

"Thời điểm giao mùa, mỗi phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bệnh cho con hơn là khi con phát bệnh mới điều trị. Nhất là phụ huynh làm ca nên chú trọng đến việc ăn của trẻ, tránh trường hợp bé ăn uống không hợp vệ sinh khi bố mẹ đi làm. Các lời khuyên đưa ra bao gồm ăn uống hợp vệ sinh, uống nhiều nước (đun sôi để nguội), ăn uống đủ chất, chích ngừa,...", bác sĩ Nguyên cho hay.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Còn theo bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng (Trưởng Khoa Truyền nhiễm), từ tháng 6, bệnh tay chân miệng bắt đầu nhen nhóm, khả năng tăng gấp đôi so với đầu năm. Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện con có dấu hiệu nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, trong họng hoặc trẻ có dấu hiệu nên được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán bệnh, đồng thời cho lời khuyên.

"Tình hình sốt xuất huyết cũng có khả năng diễn biến phức tạp, phụ huynh nên theo sát chăm sóc con" - bác sĩ Nguyễn Văn Tuân (Bác sĩ điều trị Khoa Sốt xuất huyết) cảnh báo.

Các bác sĩ cảnh báo bệnh truyền nhiễm gia tăng vào mùa hè. Ảnh: Phong Linh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn