MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa ăn công nhân của một doanh nghiệp xây dựng hoạt động trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Công bố kết quả khảo sát đời sống và tiền lương của NLĐ: Gia tăng số lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ

QUẾ CHI LDO | 13/07/2018 06:48
Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Viện CNCĐ), trong năm 2018, người lao động (NLĐ) còn gặp rất nhiều bức xúc liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, trong đó bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỉ lệ cao nhất (25,7%).

Bên cạnh đó, so với năm 2017, tỉ lệ NLĐ phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” đã tăng lên.

Lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp

Chiều 12.7, Tổng LĐLĐVN công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của NLĐ trong các DN năm 2018. PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện CNCĐ và ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội nghị.

Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay khi không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống, có 32,1% số NLĐ được hỏi cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, kết quả như sau: 17,4% số NLĐ được hỏi cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Khảo sát còn cho thấy, so với năm 2017, tỉ lệ NLĐ cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” tăng 0,5%, nhưng tỉ lệ NLĐ “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỉ lệ NLĐ phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số NLĐ cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.

Khi tìm hiểu những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại DN, khảo sát cho thấy, NLĐ còn gặp rất nhiều bức xúc. Trong đó, bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỉ lệ cao nhất (25,7%).

Các nội dung khác (làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động cao; trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra; trả lương không công khai, minh bạch; không thực hiện nâng lương định kỳ), tỉ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của NLĐ với các nội dung liên quan.

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể vẫn còn xảy ra. Theo số liệu của Tổng LĐLĐVN, tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc ngừng việc tập thể, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6%; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỉ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỉ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

 

“Trông chờ vào làm thêm nên ai cũng nai lưng để làm”

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, thực tế cho thấy, bên cạnh lương thì làm thêm vẫn là thu nhập chủ yếu của NLĐ. “Họ trông chờ vào thu nhập từ làm thêm nên ai cũng nai lưng ra để làm. Thậm chí, có công nhân còn yêu cầu DN phải có làm thêm, nếu không sẽ đình công” - PGS-TS Vũ Quang Thọ nói.

Cụ thể, theo khảo sát, ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).

Có 44,0% số NLĐ được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ), với số tiền nhận được trung bình 832.000 đồng/người/tháng. Tỉ lệ lao động làm thêm giờ cao nhất là trong ngành giày da (85,1%).

Tổng LĐLĐVN họp công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của NLĐ trong các DN năm 2018 ngày 12.7.Ảnh: Quế Chi

Theo kết quả khảo sát, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: Vùng I là 2,35%; vùng II là 10,87%; vùng III là 3,34% và vùng IV là 4,45%. Tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng, cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017.

Đề xuất lương tối thiểu năm 2019 tăng 8% là phù hợp

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về bối cảnh thương lượng tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm nay có gì khác so với mọi năm, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN - cho biết:

Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về thực hiện Đề án cải cách tiền lương của Hội nghị T.Ư 7, khóa XII ghi rõ: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTTV phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức LTTV bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.

Như vậy, Nghị quyết đã nêu rõ lộ trình còn 2 năm để đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nền kinh tế đã tốt hơn nhiều (6 tháng đầu năm có gần 64.500 DN thành lập mới); cùng với đó, Chính phủ đang tiến hành cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, giúp DN giảm chi phí chính thức và phi chính thức, từ đó có kinh phí để quay trở lại hỗ trợ NLĐ.

Bên cạnh đó, nhiều DN đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, vì vậy phải đảm bảo mức lương cần thiết để thu hút NLĐ. Trong bối cảnh này, Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng LTTV năm 2019 với mức 8% là có căn cứ cả về pháp lý và đạo lý.

Khảo sát được Viện CNCĐ (Tổng LĐLĐVN) thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN và vùng lương gồm: Hà Nội; Hải Phòng; Bắc Ninh; Vĩnh Phúc; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Nam; Ninh Bình; Hòa Bình; Nghệ An; Thanh Hóa; Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Phú Yên: Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đồng Nai; Bình Dương; TPHCM; Cần Thơ; Đồng Tháp; Kiên Giang; CĐ ngành Xây dựng; CĐ TCty Đường sắt Việt Nam.

Cùng với đó, Viện CNCĐ còn tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 150 DN, trung bình mỗi DN có 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn