MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Đồng Nai phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Ảnh: Hà Anh Chiến

Công đoàn bảo lãnh vay vốn giúp công nhân tránh xa “tín dụng đen”

HÀ ANH CHIẾN LDO | 30/11/2021 12:00
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đời sống của đoàn viên và người lao động (ĐV&NLĐ) ở Đồng Nai đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là lao động nhập cư.  Không để NLĐ sa vào “tín dụng đen”, các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã nỗ lực ký kết phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính… đứng ra bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để ĐV&NLĐ được vay vốn nhanh nhất, lãi suất thấp nhất.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân

Đợt dịch vừa qua, bà Trần Thị Hiệp (50 tuổi, ngụ TP.Biên Hoà, Đồng Nai) và nhiều đồng nghiệp khác bị mất việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Hiệp trước đây làm việc tại KCN Long Bình, công việc ổn định với mức lương cao do đã có thâm niên hơn 13 năm làm việc. Dịch COVID-19, bà Hiệp và nhiều đồng nghiệp khác bị cắt giảm giờ làm. Mặc dù vậy, bà Hiệp vẫn mong muốn sắp tới có một cái Tết tươm tất bên gia đình để bù lại những ngày khó khăn do dịch bệnh vừa qua. “Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn, tính làm liều vay tiền nóng bên ngoài để lo Tết cho gia đình” - bà Hiệp tâm sự. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các khu nhà trọ công nhân hoặc hội nhóm trên mạng, rất nhiều thông tin quảng cáo giúp công nhân vay tiền “nóng” một cách dễ dàng mà không cần thế chấp tài sản. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch CĐCS Công ty Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, rất khó để kiểm soát tình trạng tín dụng đen, đặc biệt là thời điểm sau dịch bệnh COVID-19, khi nhiều người lao động đang có nhu cầu vay vốn. Ông Trường cũng lên tiếng cảnh báo về việc các tờ rơi, bảng quảng cáo cho vay tiền xuất hiện đầy rẫy ở các cây cột điện xung quanh công ty, có rất nhiều người lạ mặt phát tờ rơi cho công nhân.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về vấn đề “tín dụng đen”, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, cơ quan công an cũng luôn tuyên truyền vận động công nhân lao động hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các đối tượng tín dụng đen xâm nhập trong công nhân, làm rõ các tác hại, hệ lụy xảy ra. Ngay cả trong nội bộ công nhân cũng xảy ra các hoạt động tín dụng đen. Còn ở bên ngoài, các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân, không có tiền, không có thế chấp, để cho công nhân vay tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng, nhưng công nhân không lường được mức độ bóc lột của tín dụng đen.

Công đoàn đứng ra  bảo lãnh tới 100 triệu đồng

Để công nhân yên tâm trở lại với công việc, không phải lo lắng về cuộc sống, nhiều CĐCS đã phối hợp với Quỹ CEP hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, an toàn. Tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam có 24.000 công nhân thì đến nay công nhân hầu như đã đi làm trở lại đầy đủ. Ông Lê Nhật Trường cho biết, để giúp công nhân thoát khỏi cảnh vay tín dụng đen, CĐCS công ty đã liên hệ với các tổ chức tài chính chính thống, có uy tín như Quỹ CEP, các ngân hàng… tạo nguồn vốn cho NLĐ vay vốn, đến nay đã tổ chức cho hàng chục ngàn lượt công nhân vay với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, giúp nhiều công nhân tránh xa tín dụng đen, kết nối được công nhân lao động với tổ chức công đoàn. 

Mới đây nhất, CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam đã đứng ra bảo lãnh giúp công nhân trong việc vay vốn phục vụ tiêu dùng ngay trong tháng 11.2021. Theo đó, công nhân có thâm niên làm việc từ 3 năm trở lên sẽ được vay vốn từ ngân hàng và vay từ Quỹ CEP. CĐCS sẽ hỗ trợ xác nhận lương với bên cho vay giúp người lao động. Ông Lê Nhật Trường cho biết thêm: “Mức vay cao nhất là 100 triệu đồng, mức thấp nhất là 20 triệu đồng, tuỳ theo thâm niên làm việc của người lao động. Ngoài ra, lãi suất vay bên ngân hàng và từ Quỹ CEP cũng rất thấp, thời gian trả nợ trong vòng 2 năm”. 

Tương tự, CĐCS Công ty CP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (H.Long Thành) cũng đang nỗ lực hỗ trợ NLĐ vay vốn cải thiện đời sống. Theo công đoàn công ty, các đoàn viên đều phấn khởi, trông chờ nguồn vốn này bởi thủ tục giải ngân nhanh chóng, thuận tiện, lãi suất thấp, giúp họ có vốn trang trải, làm ăn mà không phải “vay nóng” bên ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn