MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng LĐLĐVN làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ về kết quả tổ chức đại hội CĐCS, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và công tác chuẩn bị đại hội CĐ tỉnh. Ảnh: N.B

Công đoàn các tỉnh Nam Trung Bộ vượt khó, gấp rút chuẩn bị đại hội

NHIỆT BĂNG LDO | 09/12/2017 06:45
Chiều 8.12, Đoàn công tác Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý làm trưởng đoàn làm việc với 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) về kết quả chỉ đạo tổ chức đại hội CĐCS, cấp trên trực tiếp cơ sở và công tác chuẩn bị đại hội công đoàn cấp tỉnh.

Rút kinh nghiệm từ đại hội điểm

Đến hiện tại, hầu hết các tỉnh Nam Trung Bộ đã tổ chức đại hội CĐCS đạt từ 80% trở lên, và đã, đang tiếp tục tổ chức đại hội CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Dự kiến hết tháng 12 này, công tác tổ chức đại hội ở 2 cấp này sẽ hoàn tất. Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, đến thời điểm này, địa phương cơ bản hoàn tất đại hội cơ sở, đạt hơn 97%. Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐVN về sắp xếp, giải thể CĐ ngành địa phương, CĐ ngành Giáo dục cấp huyện trong thời gian bắt đầu chỉ đạo tổ chức đại hội cấp cơ sở và chuẩn bị cho đại hội CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong điều kiện biên chế không thay đổi nhưng phải tiếp nhận số lượng CĐCS và số lượng lao động, đoàn viên tăng đột biến. Do đó, việc chỉ đạo đại hội cấp cơ sở và chuẩn bị đại hội cấp huyện có sự thay đổi. Các LĐLĐ cấp huyện phải đi chỉ đạo đại hội có đến 4-5 CĐCS đại hội trong một ngày nhưng chỉ có 2 đồng chí đi dự được. “Đây là vấn đề khó trong tình hình biên chế hiện nay” - ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên Huỳnh Kim Hùng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các CĐCS trong việc tổ chức đại hội, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo 1 đơn vị tổ chức đại hội điểm cho các CĐCS khối trực thuộc; chỉ đạo các LĐLĐ cấp huyện tổ chức từ 1-3 đơn vị đại hội điểm để kịp thời triển khai, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức đại hội CĐCS. Kết quả đến nay đã có 938/959 CĐCS tổ chức đại hội, 17/959 CĐCS tổ chức hội nghị và 4/959 CĐCS chưa tổ chức đại hội do đang ngừng hoạt động vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã họp giải quyết kịp thời các chế độ, cũng như thực hiện công tác cán bộ đối với 2 đồng chí cán bộ CĐ chuyên trách công tác tại CĐ ngành GTVT và CĐ ngành Giáo dục sau khi giải thể.

Ông Hùng kiến nghị Tổng LĐLĐVN sớm cho ý kiến về các nội dung đề xuất của LĐLĐ tỉnh tại tờ trình số 28 (ngày 10.11.2017), nhất là nhân sự đối với vị trí cán bộ chủ chốt của LĐLĐ tỉnh không đủ tuổi tái cử, tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Đề nghị Tổng LĐLĐVN làm việc sớm với Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất nhân sự. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hòa cho biết, LĐLĐ tỉnh đã gửi 9 văn bản chỉ đạo các cấp về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội. Đến nay có trên 85% số đơn vị tổ chức đại hội CĐCS. LĐLĐ tỉnh chọn một huyện hoặc CĐ ngành tổ chức đại hội điểm, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm. LĐLĐ tỉnh cũng thực hiện giải thể CĐ Giáo dục huyện và đang sắp xếp, cải tổ lại CĐ ngành Du lịch.

Cùng chia sẻ công tác nhân sự

Chia sẻ với các tỉnh về khó khăn biên chế, ông Hòa cho rằng: “Quan điểm của tôi là chúng ta có bao nhiêu nhân sự thì làm bấy nhiêu, miễn sao sắp xếp cho hợp lý, làm sao đảm bảo công tác. Thực tế giữa con số nhân sự Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐVN giao có sự chênh lệch. Tuy vậy, theo quy định thì chúng ta phải thực hiện theo cấp ủy địa phương”. Tuy thế, ông Hòa chỉ ra một bất cập khác trong công tác này: “Có LĐLĐ huyện có 3 cán bộ, tuy vậy, một trong 3 người này xét, bầu lên làm chủ tịch thì không được vì chưa đáp ứng được yêu cầu công tác hay trình độ, nhưng đưa người khác ở trên về thì lại dôi biên chế”.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý cho biết, việc nhân sự biên chế theo kiến nghị của các tỉnh, LĐLĐ các tỉnh cần thực hiện theo quy định của T.Ư. Ông Lý đề nghị, nếu các LĐLĐ tỉnh vẫn giữ nguyên Ban chấp hành, Ủy ban kiểm tra như nhiệm kỳ trước thì không phải xin ý kiến của Đoàn Chủ tịch, nhưng nếu xin tăng nhân sự, như LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận chẳng hạn thì phải trình ra Đoàn Chủ tịch xem xét, phê duyệt. Đồng ý khi tổ chức đại hội, LĐLĐ các tỉnh mời các ngành, huyện, các LĐLĐ tỉnh bạn đến dự nhưng ông Lý lưu ý là phải thực hành tiết kiệm. “Với công tác chuẩn bị tổ chức đại hội khá chu đáo như các địa phương báo cáo, đại hội CĐ các CĐCS, CĐ cấp trên sẽ hoàn thành đúng tiến độ, để tiếp tục đại hội CĐ cấp tỉnh thành công tốt đẹp” - ông Lý hy vọng. Ông Lý cũng thống nhất thời gian tổ chức đại hội với LĐLĐ các tỉnh là 4 buổi.

Sáng cùng ngày, hội thảo lấy ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở (CĐCS) và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới do Tổng LĐLĐVN tổ chức bế mạc. Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về thực trạng đình công, lãn công hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tổ chức CĐ trong việc này. Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi - cho rằng, đình công, lãn công ở các KCN, KKT nếu đúng quy trình thì CĐ cấp trên cũng không làm được. Lý do, khi xảy ra tranh chấp, cấp cơ sở phải thống nhất thỏa thuận, hòa giải lần 1, 2… sau đó, nếu không giải quyết được thì CĐ cấp trên mới tham gia, hoặc kiện ra tòa. Bà Thủy đề xuất cần đưa ra quy trình cụ thể đình công, lãn công về quyền và lợi ích. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Vũ - Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN - cho biết: “Bộ luật Lao động 2018 sẽ sửa đổi một số vấn đề. Nếu làm thì đề nghị quy trình thay đổi”. Ông Trần Khánh Hòa - Chủ tịch LĐLĐ TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) - nêu thực trạng: “Thực tế, chúng ta hay chú ý đến hoạt động của CĐCS tại doanh nghiệp, nhưng hiện nay ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, việc vi phạm quyền của người lao động là rất nhiều”. Ông Hòa đề nghị Tổng LĐLĐVN cần có biện pháp, đề xuất “giải phóng” nút thắt lãn công, đình công khi xảy ra tranh chấp, để việc đình công, lãn công diễn ra đúng pháp luật. “CĐ ngành có làm thỏa ước lao động tập thể không? Hay là chỉ CĐ cấp trên hướng dẫn CĐCS làm?” - ông Nguyễn Duy Vũ - Phó Trưởng ban Tổ chức (Tổng LĐLĐVN) - đặt câu hỏi. Bà Nguyễn Thị Vinh - Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Bình Định - cho rằng, đối với các địa phương mà có ít CĐ ngành thì đầu mối không nhiều. Hơn nữa, vấn đề này vướng ở chỗ, nếu CĐ cấp trên ký thỏa ước lao động tập thể theo ngành thì không có cán bộ ở đó để giám sát việc thực hiện thỏa ước. Từ đó, nếu đơn vị ký thỏa ước thực hiện không đúng thì CĐ cấp trên cũng không biết, để kiến nghị xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn