MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu chỉ đạo tại Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hà Anh

Công đoàn cần lấy thương lượng, đối thoại làm nhiệm vụ trọng tâm

Hà Anh LDO | 12/10/2023 17:58

Chiều 12.10, tại Hà Nội, Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cùng 317 đại biểu chính thức dự lễ khai mạc đại hội.

Tại đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Công đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 37 uỷ viên.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đánh giá nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của toàn hệ thống Công đoàn Việt Nam, hoạt động Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục đạt được bước tiến quan trọng, nhiều nội dung mới được triển khai, một số nội dung để lại dấu ấn tốt đẹp.

Trong đó hoạt động công đoàn hướng nhiều hơn về cơ sở; đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong lao động, sản xuất, bảo toàn đội ngũ, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và Tập đoàn Dệt may Việt Nam tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Công đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hà Anh

Công tác đại diện, bảo vệ người lao động được chú trọng thông qua việc tham gia xây dựng và vận động chính sách. Công tác chăm lo cho người lao động được quan tâm thực hiện, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh; khai thác hiệu quả mạng xã hội, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời mọi hoạt động; có nhiều sản phẩm truyền thông thiết thực, bổ ích với người lao động. Tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa tạo dấu ấn và sức lan tỏa sâu rộng.

Các phong trào thi đua được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; hình thành được các sân chơi trí tuệ, các giải thưởng riêng của ngành để thúc đẩy các phong trào; lan tỏa được nhiều phương pháp hay, cách làm tốt trong hệ thống; xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Có nhiều chương trình đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp cho lao động nữ được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực thích ứng cho người lao động. Có nhiều chương trình chăm lo cho con em đoàn viên, người lao động.

Cùng với đó, công đoàn ngành còn tích cực tham gia nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng, nhận thức của người lao động. Qua đó, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ người lao động dệt may được nâng lên, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh khoa học công nghệ tiên tiến.

Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đề nghị 317 đại biểu dự đại hội cũng như toàn thể cán bộ công đoàn trong ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy và hoạt động công đoàn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Lấy thương lượng, đối thoại làm nhiệm vụ trọng tâm. Để làm tốt nhiệm vụ trên thì cán bộ công đoàn cần thực sự chủ động, năng động, sâu sát với người lao động, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp.

Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục hình thành các chương trình phúc lợi lớn và nhân rộng các mô hình chăm lo hiệu quả trong thời gian qua; tham gia sâu, hiệu quả hơn nữa với chuyên môn để xây dựng chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề, kỷ luật lao động, hiểu biết pháp luật; chủ động xây dựng chính sách pháp luật bởi lực lượng lao động ngành dệt may lớn, trải rộng, đối tượng nữ nhiều.

“Tổng LĐLĐVN sẽ phản ánh với các cơ quan chức năng để cùng giải quyết các kiến nghị của ngành, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn