MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Sơn Tùng.

Công đoàn cần tham gia bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài

Nhóm phóng viên LDO | 13/01/2018 12:12
Sáng 13.1, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XI) tổ chức thảo luận tại các tổ.

Cần có giải pháp sử dụng thẻ đoàn viên tích hợp hiệu quả

Tổ thảo luận số 1 có sự tham gia của đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Tham gia thảo luận tại tổ, đồng chí Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đánh giá các nội dung của hội nghị có chất lượng cao; đồng chí đồng tình phương án thu kinh phí CĐ qua tài khoản CĐVN, phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và VietinBank. Ngoài ra, đồng chí đề xuất một số điều chỉnh về lộ trình thu kinh phí CĐ để các hoạt động hướng về cơ sở đạt được hiệu quả cao khi tăng thêm cả về chất lượng và số đầu việc. 

Cùng đó, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền đề nghị cùng các phong trào Xanh-sạch-đẹp, ATVSLĐ, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”… nên có khen thưởng cờ, bằng khen theo chuyên đề, trong đó có thể bổ sung thêm về công tác tài chính, phát triển đoàn viên.

Đồng chí Vũ Xuân Thuỷ - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch CĐ NNPTNT - nhấn mạnh về nội dung hội nghị đạt được đáng chú ý là về củng cố tổ chức CĐ, nâng cao chất lượng hệ thống, xắp xếp tinh gọn một số CĐ ngành; xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động vì quyền lợi đoàn viên, NLĐ; xây dựng được bộ nhận diện CĐVN; thiết chế tổ chức CĐ, giúp quyền lợi đoàn viên tốt hơn; tăng cường công tác quản trị và quản lý nguồn lực phục vụ tốt hơn cho phong trào.

Tuy nhiên, đồng chí đề xuất một số vấn đề về cấp kinh phí và nguồn lực sao cho phù hợp; tháo gỡ một số khó khăn để việc điều hành quản lý xuyên suốt hơn…

Tại tổ 2, tổ trưởng là đồng chí Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam. Tổ 2 có sự tham gia của đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN.

Phát biểu tại tổ 2, đồng chí Lò Thị Mỷ - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang cho rằng, đối với các tỉnh miền núi thì một số nội dung cần được xem xét có chỉ tiêu riêng. Đồng chí chia sẻ, tại tỉnh Hà Giang, việc ký kết TƯLĐTT có lợi ích hơn cho đoàn viên là cực kỳ khó, bởi chủ yếu DN tại tỉnh là vừa và nhỏ (15-20 đoàn viên) chứ không phải Cty, tập đoàn lớn. Vì vậy, đồng chí đề nghị tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn thì cần xem xét có chỉ tiêu riêng.

Đồng chí cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN có giải pháp làm cầu nối để các LĐLĐ tỉnh miền núi có thể ký kết với các tập đoàn, TCty để có nguồn lực hỗ trợ cho CNVCLĐ nghèo, khó khăn tại các tỉnh miền núi. Bởi hiện nay, mỗi năm LĐLĐ tỉnh chỉ có thể chi xây dựng 30 nhà Mái ấm CĐ (mỗi nhà 20 triệu); nguồn lực còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Đức Châu - Chủ tịch CĐ ngành Công thương Hải Phòng đánh giá, trong năm vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã làm được nhiều việc mới, như: Xây dựng bộ nhận diện của tổ chức CĐ; triển khai Đề án xây dựng thiết chế CĐ; triển khai các hoạt động chăm lo “Vì lợi ích đoàn viên CĐ”… Đồng chí kiến nghị, cần có giải pháp để thực hiện thu 10% tiết giảm chi hành chính, hoạt động phong trào tại các CĐCS.

Đồng chí cũng đề nghị cần có giải pháp để sử dụng thẻ đoàn viên CĐ tích hợp một cách hiệu quả, bởi đối với đoàn viên CĐ ngành Công Thương, dù có thẻ rồi nhưng chưa sử dụng được; hơn nữa, tại nhiều địa phương chưa làm được thẻ vì liên quan đến công nghệ…

Đồng chí Nguyễn Đức Châu, Chủ tịch CĐ ngành Công thương Hải Phòng phát biểu thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Quế ChiĐồng chí Nguyễn Đức Châu, Chủ tịch CĐ ngành Công thương Hải Phòng phát biểu thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Quế Chi.

Công đoàn cần tham gia bảo vệ người lao động ở nước ngoài

Tại tổ 4, góp ý cho Tờ trình Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) trình Hội nghị Ban Chấp hành, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động - cho rằng: Cần thiết có sự tham gia của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển cho biết trong thời gian vừa qua, Báo Lao Động đã nhận được nhiều đơn kêu cứu của người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, họ phản ánh bị chủ bóc lột sức lao động, đối xử tàn tệ, bị quỵt lương… Sau ghi nhận phản ánh của người lao động, phóng viên tiến hành làm rõ vụ việc thông qua các “kênh” như Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại, Cty chịu trách nhiệm đưa người lao động đi xuất khẩu lao động… qua đó đã giúp được nhiều người lao động và gia đình đòi được quyền lợi.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển (đứng) - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động - góp cho Tờ trình Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) tại tổ 4.

Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển đề xuất, Tổng LĐLĐVN cần có biện pháp, đề xuất với các cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với số lượng lớn phải thành lập tổ chức Công đoàn tại nước sở tại; hoặc các CĐCS tại doanh nghiệp phải ghi nhận phản ánh của người lao động, sau đó phản ánh đến công đoàn cấp trên để tổ chức công đoàn có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động được kịp thời. Do đó, trong Điều lệ Công đoàn VN (sửa đổi, bổ sung) cần bổ sung về các hình thức tập hợp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các đại biểu bàn về về nhiều nội dung khác, như: Công tác tổ chức; về xây dựng thiết chế CĐ; thu kinh phí qua Vietinbank, về thành lập ban nữ công quần chúng khu vực ngoài nhà nước; góp ý về dự thảo điều lệ CĐ Việt Nam...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn