MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại đại hội. Ảnh: Hải Nguyễn

Công đoàn cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để thay đổi hoạt động

Phương Minh - Hải Nguyễn LDO | 16/10/2023 16:47

Phát biểu tại Đại hội Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đề nghị Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam phải đổi mới, phải chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để thay đổi căn bản các hoạt động của mình.

"Theo đó, việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực hiện trên môi trường số, trên các nền tảng số. Một trợ lý ảo để giúp các công đoàn viên hỏi về các chế độ chính sách liên quan khi cần rất quan trọng. Cách đào tạo, tuyên truyền bây giờ cũng đã thay đổi" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, Công đoàn ngành cần nghiên cứu phát triển nền tảng đào tạo, kỹ năng số cho người lao động trong ngành để họ có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi của lao động, nghề nghiệp. Để đoàn viên, người lao động có thể sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để làm việc của mình tốt hơn, chứ không phải để công nghệ số AI thay đổi người lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cũng vì làm việc chung trên một nền tảng số nên công đoàn ngành sẽ giám sát được tất cả công đoàn các cấp. "Việc đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động khó nhất vẫn là do số lượng công đoàn viên rất lớn. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp thì hàng trăm nghìn chính sách lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Việc tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ rồi cung cấp công cụ làm việc, công cụ hỗ trợ, giám sát hoạt động của các công đoàn cơ sở cấp dưới cũng vậy. Thiết lập một nền tảng số làm việc dùng chung cho các công đoàn cơ sở. Vậy nên, Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông phải xây dựng nền tảng làm việc như vậy" - ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.

Cũng theo bộ trưởng, Công đoàn là đoàn thể của công nhân, người lao động. Xây dựng đoàn thể lớn mạnh mang lại lợi ích cho đoàn viên luôn là nhiệm vụ của bất kỳ đoàn thể nào.

Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông phát triển tổ chức của mình lớn mạnh hơn nữa, ngành Thông tin và Truyền thông bây giờ không chỉ là bưu chính viễn thông mà còn là công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số, công nghiệp ICT, báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông, xuất bản….

Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Công đoàn ngành phải mở rộng lực lượng của mình để đại diện cho toàn ngành Thông tin và truyền thông Việt Nam.

Cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải có một mối quan tâm chung hàng đầu là làm cho doanh nghiệp phát triển, có phát triển, có lợi nhuận thì mới có thể nói đến được những thứ khác. Bởi vậy, việc đầu tiên, công đoàn ngành phải hướng người lao động giúp doanh nghiệp phát triển sau đó mới đến chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

"Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tin tưởng, với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XVI đề ra, đội ngũ đoàn viên Công đoàn toàn ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn cả nước; góp phần vào sự phát triển ngày càng mạnh của ngành và đất nước trong giai đoạn mới" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn