MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Kim Huệ (thứ 2 từ trái sang) trong Hội nghị hướng dẫn ký kết TƯLĐTT tại Công ty TNHH Nissho Electronics Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải đồng hành cùng công đoàn cơ sở

Nghĩa Thanh LDO | 01/12/2023 14:55

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động là một trong 3 khâu đột phá sẽ được Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cho ý kiến thảo luận. Trên thực tế, nhiệm vụ này đã được các cấp Công đoàn chú trọng triển khai, thực hiện trong nhiệm kỳ 2018 - 2023. Kết quả của hoạt động này là cơ sở để tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

TƯLĐTT có nội dung đặc thù của đơn vị

Xác định quyền lợi của các bên tham gia quan hệ lao động, đặc biệt là quyền lợi của người lao động được bảo vệ bằng Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021 - 2022”.

Công ty TNHH Nissho Electronics Việt Nam - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - nằm trên địa bàn quận Đống Đa. Tháng 5.2022, CĐCS và Ban lãnh đạo Công ty đã ký TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, trong đó có những điều khoản mang tính đặc thù sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể, Công ty sẽ mua bảo hiểm sức khỏe cho NLĐ và gia đình (vợ/chồng, con cái); ngoài 12 ngày nghỉ phép, cứ 2 tháng NLĐ được thêm 1 ngày nghỉ ốm có hưởng lương, tổng là 18 ngày phép/năm; NLĐ được thưởng lương tháng thứ 13 bằng số tiền 1 tháng lương theo Hợp đồng lao động; Công ty hỗ trợ NLĐ chi phí học các chứng chỉ về quản lý dự án và hỗ trợ chi phí thi chứng chỉ phục vụ cho công việc của dự án; NLĐ khi ốm đau được hỗ trợ 1 - 2 triệu đồng/người, tham quan nghỉ mát 1 lần/năm với 100% kinh phí...

Để có được những nội dung này, đại diện LĐLĐ quận đã trao đổi với CĐCS một số nội dung, quy trình các bước hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng bản TƯLĐTT, đồng thời xây dựng bản TƯLĐTT mẫu để CĐCS tham khảo, nghiên cứu đề xuất lãnh đạo công ty. Qua quá trình trao đổi, thống nhất nội dung, Ban chấp hành CĐ Công ty đã tiến hành 5 bước quy trình xây dựng TƯLĐTT theo hướng dẫn của LĐLĐ quận. BCH CĐ Công ty tổ chức lấy ý kiến của tập thể NLĐ về dự thảo bản TƯLĐTT. Sau khi thông qua ý kiến của NLĐ, CĐ Công ty thông báo nội dung thương lượng với Ban lãnh đạo Công ty. Tiếp đó LĐLĐ quận hướng dẫn BCH CĐ phối hợp Ban lãnh đạo Công ty tổ chức Hội nghị thương lượng tập thể và công bố công khai biên bản phiên họp thương lượng (LĐLĐ quận có mặt tại Hội nghị này). Sau đó, CĐ Công ty TNHH Nissho Electronics Việt Nam đã ký kết TƯLĐTT với Ban lãnh đạo Công ty.

Theo bà Lê Thị Kim Huệ - Chủ tịch LĐLĐ quận, để có những nội dung sát với thực tế đơn vị, ví dụ như tại Công ty TNHH Nissho Electronics Việt Nam là hỗ trợ NLĐ chi phí học các chứng chỉ về quản lý dự án, CĐCS cần nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu của NLĐ, yêu cầu của người sử dụng lao động đối với NLĐ. Ngoài việc tập huấn cho cán bộ CĐCS kỹ năng, phương pháp, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ quận còn giao chỉ tiêu thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo từng năm, từng giai đoạn cho các CĐCS; giao chỉ tiêu cho cán bộ phụ trách hướng dẫn thương lượng, ký kết TƯLĐTT...

Đại diện LĐLĐ quận Đống Đa trao đổi quy trình các bước hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng bản TƯLĐTT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đề án là “đòn bẩy” để nhiều bản TƯLĐTT có chất lượng ra đời

Đề án “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, giai đoạn 2021 - 2022” được LĐLĐ Thành phố thực hiện với mục tiêu phát huy tối đa nội lực của tổ chức CĐ, trên cơ sở tăng cường vai trò của CĐ cấp trên hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn CĐCS, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cũng như số lượng trong đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; chú trọng thương lượng về lương, thưởng, tăng cường vai trò của cơ chế 3 bên nhằm mang lại quyền lợi tốt hơn cho NLĐ, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Thực tế cho thấy Đề án đã là cơ sở để nhiều bản TƯLĐTT có nội dung tốt ra đời. Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng - đơn vị có những bản TƯLĐTT có nội dung cao hơn luật về tiền lương cho biết trên cơ sở Đề án, LĐLĐ huyện đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các CĐCS tiếp tục tổ chức tốt nhiệm vụ nắm bắt, thương lượng. Từ những thỏa ước chỉ mang tính đối phó, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều bản TƯLĐTT hướng đến các nội dung thương lượng như tiền lương trả cho NLĐ bình quân cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 3,3 - 7%; duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho NLĐ; tăng lương cho NLĐ định kỳ. Đặc biệt có chủ tịch CĐCS Công ty Chilanshing chủ động đề xuất, thương lượng với chủ sử dụng lao động tăng lương hàng năm cho NLĐ từ 5-7%; năm 2022 tăng 5% trong khi lương tối thiểu vùng chưa điều chỉnh tăng...

Với Đề án thí điểm, Hà Nội đã tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng TƯLĐTT; ký mới 2.449 bản, tăng 288% so với đầu nhiệm kỳ (1.250 bản). Đến nay, có 3.699 bản (đạt tỉ lệ 75,5%, trong đó TƯLĐTT loại A, B đạt 46%); được Tổng LĐLĐVN triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước. CĐ ngành Dệt may Hà Nội đã chủ động phối hợp, thương lượng với Hiệp hội Dệt may ký kết được TƯLĐTT cấp ngành - Hà Nội là địa phương đầu tiên ký được TƯLĐTT cấp ngành...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn