MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam tổ chức toạ đàm về việc làm, đời sống CNLĐ trong tái cơ cấu doanh nghiệp. Ảnh: Tú Quỳnh

Công đoàn chăm lo đời sống người lao động

trần kiều LDO | 25/07/2020 19:00
Từ khi bước vào thực hiện tái cơ cấu, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) gặp không ít những khó khăn. Phát huy vai trò và năng lực của mình, tổ chức Công đoàn của tổng công ty đã góp phần không nhỏ vào quá trình tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đơn vị thực hiện công cuộc tái cơ cấu đúng với chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều khó khăn

Hoạt động sản xuất kinh doanh của SBIC bị ảnh hưởng nặng nề từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vào giữa năm 2008. Đại diện SBIC cho biết, từ chỗ có khoảng 28.000 người năm 2012 làm việc thì đến nay, DN chỉ còn hơn 9.000 người lao động (NLĐ) thuộc 8 đơn vị được giữ lại sau tái cơ cấu, nằm trên nhiều tỉnh thành cả nước với chức năng ngành nghề chính là đóng và sửa chữa tàu, các phương tiện đường thuỷ, dịch vụ cảng, thiết kế công nghiệp… Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, trong nhiều năm qua, tổng công ty (TCTy) đang triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp (DN).  

Từ năm 2014 đến nay, các DN tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tiền lương bình quân của NLĐ thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng tiền lương của LĐ cùng ngành nghề trên thị trường. Do đó, việc không thu hút, động viên được NLĐ ở lại làm nhiệm vụ tái cơ cấu, duy trì sản xuất kinh doanh nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Mặt khác, trong điều kiện khó khăn về sản xuất kinh doanh, một số DN trong TCty rơi vào tình trạng thiếu việc, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nên khi chấm dứt hợp đồng lao động không chốt được sổ BHXH cho NLĐ. 

Những khó khăn, vướng mắc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng cán bộ, đoàn viên và hoạt động của tổ chức Công đoàn (CĐ).

Đảm bảo chức năng quản lý, bảo vệ quyền lợi NLĐ

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức, đồng hành cùng DN tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu... CĐ SBIC đã tham gia ý kiến cùng với người sử dụng lao động trước khi ban hành các quy chế, quy định có liên quan đến chế độ chính sách đối với NLĐ như quy chế trả lương, thưởng; bố trí nơi làm việc, phương tiện...

Hằng năm, CĐ SBIC còn phối hợp với Tổng Giám đốc TCty xây dựng kế hoạch liên tịch thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nơi làm việc; chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức hội nghị NLĐ nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ, tạo điều kiện để NLĐ được biết, tham gia ý kiến, giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình... Nhờ đó, nhiều NLĐ đã gắn bó, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thực hiện công cuộc tái cơ cấu đúng với chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, CĐ SBIC cũng thường xuyên hướng dẫn các CĐCS hoạt động, hỗ trợ tối đa, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà cơ sở gặp phải trong quá trình hoạt động.

Theo ông Kiều Hưng - Phó Tổng Giám đốc TCty SBIC, đơn vị hiện tiếp tục triển khai tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, đề án tái cơ cấu SBIC cũng đang được xem xét, hoàn thiện.

“Những khó khăn của DN đã ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ. Chính vì vậy, sự đồng hành, chia sẻ và xử lý những khó khăn giữa các bên liên quan là rất cần thiết” - ông Kiều Hưng cho hay. 

Trong và sau cổ phần hoá, tái cơ cấu DN, các vấn đề việc làm, chính sách đối với NLĐ cũng như vai trò của tổ chức CĐ vô cùng quan trọng. Ông Trần Bá Thành - Chủ tịch CĐ SBIC - khẳng định: “Để quá trình tái cơ cấu DN gắn với đảm bảo việc làm, đời sống NLĐ đạt hiệu quả, CĐ SBIC sẽ bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành, Tổng LĐLĐVN và nghiên cứu các hình thức, nội dung hoạt động làm sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn