MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân nhận những hỗ trợ của tổ chức Công đoàn như được tiếp thêm động lực, yên tâm làm việc. Ảnh: Đỗ Phương

Công đoàn cùng doanh nghiệp hỗ trợ để giữ chân người lao động

ANH THƯ - ĐỖ PHƯƠNG LDO | 08/09/2021 07:00
“Tổ chức công đoàn sát cánh với người lao động (NLĐ), đặc biệt phối hợp động viên doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” để vừa sản xuất kinh doanh, giữ chân NLĐ. Việc giữ chân NLĐ vô cùng quan trọng, máy móc chỉ thay thế 1 phần, con người vẫn là chính yếu, giúp không đứt gãy sản xuất” - ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội khẳng định.

Niềm vui nhân lên

Facebook cá nhân của chị Phạm Thị Hoa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tràn ngập bài đăng bán thực phẩm, mỹ phẩm làm đẹp. Đây là nguồn kiếm sống của chị lúc dịch COVID-19 đang hoành hành như hiện nay. Không ít bạn bè trên mạng xã hội có thể quên chị Hoa là giáo viên mầm non tư thục.

Theo yêu cầu phòng chống dịch của Thành phố Hà Nội, chị Hoa đã dừng việc trông trẻ từ tháng 5. Ba tháng trôi qua không đến trường, nguồn thu nhập chính bị chặn đứng; ngay cả công việc làm thêm bán hàng online của chị Hoa cũng không thể tiếp tục do Thủ đô giãn cách trong nhiều ngày qua. 

Những ngày nghỉ việc, chị Hoa cũng như nhiều người khác băn khoăn về việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp bị ngưng trệ. 

Chị Hoa là một trong hàng triệu NLĐ hiện đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Nắm bắt thực trạng này và thấu hiểu cho “cái khó” của NLĐ trong đại dịch, Tổng LĐLĐVN đã có báo cáo về gói hỗ trợ mới cho NLĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thống nhất với Tổng LĐLĐVN về đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ được miễn đóng vào Bảo hiểm y tế. Theo đó, người sử dụng lao động đóng 3% mức lương tối thiểu và NLĐ miễn đóng Bảo hiểm y tế 1,5%. Thời gian miễn đóng tối đa 8 tháng, tính từ tháng 6.2021 đến tháng 1.2022.

Cũng như nhiều NLĐ khác, chị Hoa rất ủng hộ đề xuất của Tổng LĐLĐVN hỗ trợ NLĐ được miễn đóng vào Quỹ Bảo hiểm y tế (bằng 1,5% tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội) hay duy trì thẻ Bảo hiểm y tế cho NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này giảm bớt gánh nặng cho NLĐ lúc khó khăn.

Là công nhân “cứng” tại Khu công nghiệp Thăng Long, chị Nguyễn Thị Thu - công nhân Công ty Hoya Glass Disk - cũng thực hiện “3 tại chỗ”. Chị Thu còn may mắn hơn chồng vì vẫn có việc làm, trong khi chồng chị nghỉ việc từ ngày 24.7, mọi chi tiêu trong nhà đè nặng lên đôi vai gầy của chị.

Nghe thông tin công nhân thực hiện “3 tại chỗ” được hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người, ai nấy đều vui mừng. Niềm vui ấy còn được nhân lên gấp nhiều lần khi chị Thu biết mình và đồng nghiệp nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ. Chị Thu chia sẻ: “Với công nhân lúc này, nhận được quan tâm từ tổ chức Công đoàn là sự động viên tinh thần rất lớn”.

Góp phần giữ chân NLĐ

Dịch COVID-19 tác động khiến công việc, cuộc sống của nhiều NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng mừng là, NLĐ gặp khó khăn ở đâu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cùng công đoàn cơ sở đã nắm bắt và có những hỗ trợ nhanh, thiết thực tại đó. Hỗ trợ NLĐ là F0, F1; hỗ trợ tiền ăn cho công nhân thực hiện “3 chỗ”; đề xuất các chính sách miễn giảm... đã giúp NLĐ bớt chao đảo trước làn sóng của dịch bệnh.

Trao đổi với PV, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho biết, Tổng LĐLĐVN kêu gọi, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ các địa phương vận động chủ trọ giảm giá phòng trọ cho NLĐ cùng rất nhiều hoạt động khác giúp NLĐ phần nào vơi bớt những khó khăn do dịch bệnh tác động.

Dịch COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp lao đao. Đây cũng là những biến cố thử “sức khoẻ” của doanh nghiệp như thế nào. Đánh giá về những hoạt động hỗ trợ đối tượng F0, F1, hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ”, ông Quốc Anh cho rằng, đây là những hoạt động phù hợp trong bối cảnh này, cũng là động viên kịp thời cho doanh nghiệp và NLĐ. Tổng LĐLĐVN cùng công đoàn cơ sở đã làm đúng chức năng là người đại diện, bảo vệ NLĐ, đặc biệt lúc họ gặp khó khăn. Cũng theo ông Quốc Anh, hiện nay, có khoảng 70% số doanh nghiệp nhỏ, vừa Hà Nội tiếp cận được những chính sách hỗ trợ.

“Tổ chức công đoàn sát cánh với NLĐ, đặc biệt phối hợp động viên doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” để vừa sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động. Giữ chân NLĐ vô cùng quan trọng, máy móc chỉ thay thế 1 phần, con người vẫn là chính yếu, giúp không đứt gãy sản xuất”- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn