MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2019 đến nay, khi được giao tự chủ 100% về tài chính chi thường xuyên, tình trạng nợ lương, nợ BHXH tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan liên tục xảy ra. Ảnh: Nguyễn Trường

Công đoàn đồng hành, giải quyết vấn đề nóng về pháp luật lao động

QUỲNH TRANG LDO | 15/05/2024 08:18

Việc nợ lương, nợ BHXH là những vấn đề nóng về pháp luật lao động. Đáng chú ý, việc này hiện nay không chỉ xuất hiện ở các công ty, doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà gần đây, một số đơn vị sự nghiệp công lập cũng xảy ra tình trạng này.

Vẫn tái diễn tình trạng nợ lương, BHXH

Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất khiến cho tình trạng nợ lương, nợ BHXH ngày càng trở thành điểm nóng. Đáng chú ý, tình trạng nợ lương, nợ BHXH không chỉ xuất hiện ở các công ty, doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà gần đây, một số đơn vị sự nghiệp công lập cũng xảy ra tình trạng này.

Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan - một bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình. Từ năm 2021 đến nay, năm nào, bệnh viện cũng nợ lương và các chế độ phụ cấp khác của cán bộ, nhân viên tại bệnh viện. Đến thời điểm hiện tại họ mới chỉ nhận được tiền lương đến hết tháng 1.2024.

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tình trạng nợ lương của cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm nay. “Nguyên nhân của việc nợ lương là do bệnh viện chưa bố trí được nguồn. Từ năm 2019, bệnh viện được giao tự chủ về ngân sách 100%” - vị lãnh đạo này cho biết.

Theo số liệu của BHXH tỉnh Ninh Bình, tính đến tháng 4.2024, toàn tỉnh có có 692 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 115,31 tỉ đồng (chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 93,66 tỉ đồng, lãi chậm đóng là 21,65 tỉ đồng); trong đó, Doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn là 37 doanh nghiệp, số tiền nợ 30.480.418.264 đồng.

Mục tiêu chính của tổ chức Công đoàn

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh Ninh Bình, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của các tổ chức Công đoàn.

“Phần lớn người lao động hiện nay thu nhập chủ yếu từ lương. Do đó, việc nợ lương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Vì vậy nên Công đoàn phải thể hiện rõ vai trò của mình trong việc đề xuất với LĐLĐ tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan để tìm ra hướng giải quyết phù hợp, có lợi nhất cho người lao động” - bà Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, trước tình trạng nợ lương, nợ BHXH tại các doanh nghiệp còn nợ đọng, nhất là các trường hợp đã kéo dài qua nhiều năm, Công đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành có liên quan để làm việc, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng tìm các giải pháp để có nguồn tiền, sớm chi trả tiền lương và các chế độ chính sách khác cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

“Nếu doanh nghiệp vẫn trây ỳ không thanh toán lương, phụ cấp cho người lao động theo đúng cam kết, tổ chức Công đoàn sẽ hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp về lương và các chế độ phụ cấp khác. Đây sẽ là cơ sở cho việc khởi kiện ra tòa để giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động” - bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn