MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa ăn ca của công nhân Công ty Nissei Electric Việt Nam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhờ sự kiểm tra, giám sát của CĐCS. Ảnh: Đức Long

Công đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca tại nhà máy

Nam Dương LDO | 16/11/2022 10:00
Nhiều CĐCS tham gia tích cực vào việc giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ, nhờ đó công nhân được hưởng thụ bữa ăn chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thành lập bộ phận quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I, TPHCM) - cho biết, bắt đầu từ tháng 9.2022, khẩu phần ăn giữa ca của gần 2.000 CN ở công ty là 21.500 đồng/người/suất. Chi phí này chưa bao gồm tiền điện, nước, gas do công ty hỗ trợ cho nhà ăn. Theo bà Vân, quan trọng nhất với bữa ăn ca là phải có định lượng calo chuẩn làm cơ sở cho doanh nghiệp thuê nhà cung cấp suất ăn.

Bà Vân cho biết thêm, tại công ty Nissei Electric Việt Nam, từ tháng 10.2012, CĐCS đã phối hợp với công ty thành lập hội NFC (Nissei Food Care) gồm đại diện tổng vụ, CĐ và bộ phận y tế để quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn. Hội NFC có nhiệm vụ xây dựng chuẩn bị kế hoạch hoạt động cho mỗi tháng vào tháng trước đó, kiểm tra định kỳ, đột xuất quy trình hoặc thực tế hoạt động của cả 2 nhà ăn của công ty. Hội còn có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi phát sinh các vấn đề liên quan đến thực phẩm, báo cáo với cấp trên về những sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đánh giá định kỳ hoạt động của từng nhóm và của hội. Để đáp ứng nhiệm vụ này, hội NFC có quyền yêu cầu ngưng sử dụng thực phẩm đang chế biến hoặc đang sử dụng nếu phát hiện có vấn đề; yêu cầu nhà ăn cung cấp tất cả các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, hội NFC có quyền yêu cầu tập trung những nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm để ứng phó khi có vấn đề cần giải quyết, yêu cầu nhà ăn lưu mẫu khi nghi ngờ thực phẩm có vấn đề bất thường,...

“Để hoạt động thực chất, hằng tháng hội đều lên kế hoạch kiểm tra thông thường hoặc kiểm tra đột xuất thời điểm nhập nguyên liệu, bảo quản, sơ chế chế biến, chia suất ăn. Người kiểm tra phải báo cáo tổng kết về kết quả kiểm tra cho trưởng nhóm theo mẫu đính kèm. Bất cứ khi nào có phương án đề xuất cải tiến, các thành viên liên lạc với trưởng nhóm và nếu trưởng nhóm cho rằng phương án khả thi thì liên lạc triệu tập họp bất thường để thống nhất ý kiến của toàn hội”, bà Vân chia sẻ thêm.

Công đoàn tham gia giám sát

Anh Trương Thanh Tâm - CN phân xưởng 2, Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, TPHCM) - cho biết, công ty chi cho một NLĐ 42.000 đồng/ngày tiền ăn giữa ca. Nếu CN ăn ca ở công ty thì phải trả 25.000 đồng, dư 17.000 đồng ngày; không thích có thể tự nấu mang đi.

Ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần In số 7 - cho biết, kể từ tháng 5.2022, Cty bắt đầu hỗ trợ 42.000 đồng/người/ngày để CN ăn giữa ca. Ngoài khoản tiền trên, nếu NLĐ tăng ca từ 2 giờ trở lên sẽ được hỗ trợ phần ăn gồm mì gói, xúc xích, sữa trị giá khoảng 15.000 đồng nữa. CĐCS có tham gia vào việc kiểm soát chất lượng bữa ăn ca từ khâu cung cấp thực phẩm.

Ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch CĐ Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM) -  cho biết, công ty thành lập Ban nhà ăn, trong đó có đại diện Phòng nhân sự, CĐ và CN cùng theo dõi, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn hằng ngày. Do có sự tham gia của CĐ nên những phản ánh về chất lượng bữa ăn CĐ nhanh chóng nắm bắt, có ý kiến kịp thời với bộ phận cung cấp suất ăn.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam - cũng cho biết, hiện CĐCS có tham gia vào việc kiểm tra chất lượng bữa ăn của NLĐ. “Bản thân tôi cũng thường xuyên đột xuất đi kiểm tra chất lượng bữa ăn ca của NLĐ xem có đúng với định lượng mà doanh nghiệp cung cấp suất ăn công bố không”, ông Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn