MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Quách Thanh Sang (Vĩnh Quới, Ngã Năm, Sóc Trăng) có cuộc sống dần ổn định tại quê nhà sau khi nghỉ việc ở Bình Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công đoàn hỗ trợ giới thiệu việc làm cho công nhân bị mất việc

Phượng Linh LDO | 13/09/2023 08:15

Sau khi mất việc tại thành phố, công nhân về quê tìm việc làm. Ở đó, họ được sự hỗ trợ của ngành chức năng và tổ chức Công đoàn để sớm hòa nhập thị trường lao động.

Anh Quách Thanh Sang ở xã Vĩnh Quới (Ngã Năm, Sóc Trăng) từng có 2 năm làm công nhân ở tỉnh Bình Dương với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do công ty giảm đơn hàng và cắt giảm lao động, anh Sang về quê mưu sinh.

“Thời điểm nghỉ việc, dù gặp khó khăn nhưng nhờ có nguồn vốn tích góp, tôi mua rơm và phôi để trồng nấm rơm. Ngoài ra, vườn nhà có trồng mãng cầu gai, tôi hái để đi giao cho các mối lái ở tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Những lúc nông nhàn tôi còn đi giăng lưới, cắm câu, đẩy côn bắt cá để có thêm thu nhập. Mỗi ngày cũng có vài trăm nghìn đồng” - anh Sang nói.

Nếu như anh Quách Thanh Sang có được cuộc sống ổn định ở quê thì ngược lại vợ chồng chị Lâm Thị Sung (Vĩnh Quới, Ngã Năm, Sóc Trăng) lại có cuộc sống khá bấp bênh khi nghỉ việc ở một công ty tại TP Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Chị Sung cho biết: “Nhà không có đất sản xuất nên sau khi mất việc, ai thuê gì tôi làm nấy. Vợ chồng tôi xin làm ở một vựa thu gom ve chai gần nhà, do công việc cực quá tôi làm không nổi, chồng tôi có sức khỏe nên còn bám trụ. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình, học hành của con đều trông vào số tiền công 200.000 đồng/ngày của chồng tôi”.

Cũng lựa chọn công việc thu gom ve chai sau khi nghỉ làm công nhân ở Bình Dương, vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn (33 tuổi, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) may mắn có cuộc sống ổn định.

Anh chia sẻ mỗi ngày vợ chồng cố gắng thu gom khắp các con đường ở quận Bình Thủy cũng được 50kg “hàng”. Hôm nào may mắn mua được sắt vụn của nhà đang sửa chữa cũng lên đến trăm ký, kiếm lời 300.000-500.000 đồng.

“May là chúng tôi có đất sẵn, gom được số vốn mở cơ sở làm ăn mới kiếm được tiền trăm, chứ đi lấy ve chai nhỏ lẻ từng nhà thì khổ lắm...” - anh Toàn chia sẻ.

Theo anh Toàn, mặc dù làm công việc này đã được 2 năm nhưng điều anh lo là sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, nhất là hệ lụy từ các cơn nhức, mỏi. Với đà này, anh dự đoán khả năng vài năm nữa sẽ khó lòng theo nổi.

Năm 2021, vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường (quê Long Phú, Sóc Trăng) lên làm công nhân ở Bình Dương. Vợ ông Cường qua đời vì dịch COVID-19, còn mình ông gồng gánh lo cho con cái.

“Tôi lên Bình Dương làm công nhân, thu nhập 8 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ ăn uống. Mức thu nhập này ở Bình Dương phải chi tiêu dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu. Tôi rất nhớ con nhưng chưa dám về quê thăm...” - ông Cường cho hay.

Theo LĐLĐ TP Cần Thơ, thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, Công đoàn TP Cần Thơ đã phối hợp với các phòng Lao động Thương binh và Xã hội các quận, huyện hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho các công nhân bị mất việc từ thành phố về quê sinh sống. Tuy nhiên, hiện con số công nhân đang làm công việc tự do ở Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây vẫn còn nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn