MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn Đà Nẵng giúp người lao động Cty CP Dệt Hòa Khánh hoàn tất hồ sơ khởi kiện. Ảnh: Tường Minh

Công đoàn hỗ trợ hàng trăm lao động thắng kiện

Tường Minh LDO | 14/09/2024 06:15

Được 62 lao động ủy quyền, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng khởi kiện và thắng kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh. Vụ việc đã mang đến sự tự tin hơn cho tổ chức Công đoàn trong nỗ lực đồng hành, bảo vệ người lao động.

Không phải lần đầu tiên người lao động thắng kiện

Như Lao Động đã thông tin, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã mở các phiên xét xử liên quan đến 62 vụ án tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty Hòa Khánh (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Trong các vụ án này, nguyên đơn là các công nhân từng làm việc tại Công ty Hòa Khánh, đã ủy quyền cho Công đoàn TP Đà Nẵng đại diện khởi kiện, đòi quyền lợi về tiền lương và trợ cấp thôi việc.

Sau 5 ngày xét xử, Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã tuyên án, chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn, với đại diện ủy quyền là Công đoàn TP Đà Nẵng, yêu cầu Công ty Hòa Khánh phải chi trả toàn bộ các khoản nợ ngay sau khi bản án có hiệu lực. Tổng số tiền mà Tòa tuyên buộc Công ty CP Dệt Hòa Khánh phải thanh toán là hơn 1,9 tỉ đồng, trong đó tiền lương là hơn 314 triệu đồng và trợ cấp thôi việc là hơn 1,6 tỉ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên người lao động Đà Nẵng khởi kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi thành công.

Trước đó, vào năm 2019, tổ chức Công đoàn Đà Nẵng, cũng thừa ủy quyền của người lao động, đã khởi kiện Công ty TNHH Một thành viên TBO VINA (Công ty TBO) ra tòa để đòi nợ lương và chế độ BHXH của gần 500 lao động với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Trong vụ này, có tất cả 196 hồ sơ của người lao động ủy quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện và đã thắng kiện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng.

Có một sự trùng hợp là cả hai vụ khởi kiện vừa kể đều có dấu ấn của bà Lê Thị Ngọc Oanh - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng (thời điểm khởi kiện, bà Oanh là Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng) - trong việc nhận ủy quyền, hỗ trợ người lao động làm hồ sơ, ra tòa với tư cách nguyên đơn.

“Liên tục hai vụ nhận ủy quyền và thắng kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho người lao động đã khiến tổ chức Công đoàn cảm thấy tự tin hơn trong việc giúp người lao động đòi quyền lợi chính đáng bằng phương pháp ra tòa” - bà Oanh nói.

Ra tòa giải quyết tranh chấp là văn minh

Đáng nói là sự tự tin này không chỉ có ở các cán bộ Công đoàn Đà Nẵng mà còn ở cả những người lao động đã ủy quyền khiếu kiện. “Kể từ khi ký vào lá đơn ủy quyền cho Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khởi kiện, thú thật là chúng tôi cũng rất mơ hồ, không biết liệu tổ chức Công đoàn có thật sự giúp chúng tôi thắng kiện và đòi được tiền doanh nghiệp nợ hay không. Tuy nhiên, sau vụ việc lần này, người lao động chúng tôi tin tưởng rằng tổ chức Công đoàn, dù có khó khăn đến đâu, cũng sẽ bảo vệ và giúp chúng tôi đòi quyền lợi chính đáng của mình”, bà D - một trong 62 người lao động vừa thắng kiện tại Công ty CP Dệt Hòa Khánh (xin được giấu tên) - cho biết.

Đáng lưu ý là sau vụ người lao động thắng kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, việc tổ chức Công đoàn Đà Nẵng thừa ủy quyền của người lao động để đưa chủ doanh nghiệp ra tòa đòi quyền lợi là bước đi có phần “nặng tay”, là “ép” doanh nghiệp.

Tuy vậy, ông Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng - cho rằng: “Nếu không hòa giải được và buộc phải ra tòa, thì các bên đều phải làm việc theo đúng quy định của pháp luật”.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Oanh cho hay: Sau vụ này, không chỉ doanh nghiệp mà cả người lao động và tổ chức Công đoàn cần coi việc “gặp nhau tại tòa” để giải quyết tranh chấp khi không thể đối thoại, thương lượng là một bước đi bình thường, mang tính văn minh, cần được phát huy nhiều hơn nữa.

“Nhiều người lao động vẫn cảm thấy sợ và chưa có thói quen khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn ở nhiều nơi vẫn chưa hình thành thói quen và kỹ năng trong việc khởi kiện, dẫn đến việc doanh nghiệp vẫn cứ trây ỳ năm này sang năm khác, còn người lao động thì tiếp tục thiệt đơn thiệt kép. Chúng tôi cho rằng, không chỉ trong tranh chấp lao động mà ở bất kỳ lĩnh vực nào khác, ra tòa phân xử là chuyện hết sức bình thường, không ai ép hay nặng tay được với ai vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” - bà Oanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn