MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tố cáo cần được bảo vệ vị trí việc làm của mình. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân.

Công đoàn làm gì để bảo vệ việc làm của người tố cáo?

Quế Chi LDO | 07/12/2020 16:05

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, trong Điều 8 có nêu trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động.

Theo đó, Thông tư có hiệu lực từ ngày 1.12.2020 này nêu rõ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc tổ chức đại diện hợp pháp cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

Cấp Liên đoàn Lao động cấp huyện, cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ; giám sát cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cùng cấp trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ; phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trao đổi về nội dung này, một chủ tịch công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp FDI thuộc tỉnh Phú Thọ cho hay, mình chưa nắm được thông tin về Thông tư này cũng như trách nhiệm của công đoàn. “Công ty có chế độ tốt nên người lao động ít kiến nghị, khiếu nại. Tuy nhiên, công đoàn cơ sở sẽ tìm hiểu kỹ các nội dung thông tư để thực hiện tốt trách nhiệm của công đoàn”- chủ tịch công đoàn cơ sở này cho biết.

Còn ông Nguyễn Khắc Điều - Phó Trưởng Ban Chính sách – pháp luật và quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang) - nhận định, vấn đề bảo vệ việc làm cho người tố cáo chỉ chủ yếu là ở đơn vị hành chính, nhà nước, vì thực tế, người lao động ở các khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước ít khi tố cáo; người lao động thường chỉ kiến nghị, xem xét.

“Cho đến thời điểm này, Liên đoàn Lao động tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào người lao động tố cáo bị đe doạ vị trí việc làm để xem công đoàn hỗ trợ người lao động liệu có vướng mắc gì. Khi người lao động có kiến nghị, tổ chức công đoàn luôn hướng dẫn người lao động làm đúng quy trình, nếu không được giải quyết thì mới tiến hành các giải pháp khác”- ông Điều cho biết.

Theo ông Điều, nói chung, có thể người tố cáo chưa đến mức độ ảnh hưởng đến vị trí việc làm nhưng bị phân biệt đối xử, hay bị ngấm ngầm trù dập. “Khi Thông tư có hiệu lực, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tích cực triển khai nội dung này xuống các công đoàn cơ sở để theo dõi, tích cực nắm bắt tâm tư của người lao động, nếu người lao động bị đe doạ đến vị trí việc làm khi tố cáo thì đề nghị với công đoàn để công đoàn có tiếng nói bảo vệ”- ông Điều cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn