MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh. Ảnh: Hải Nguyễn

Công đoàn luôn chia sẻ khó khăn vì người lao động và doanh nghiệp

Thu Trà LDO | 19/10/2023 08:48

Người lao động là nguồn lực, là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm, bảo vệ nguồn lực của mình. Trong quá trình đó, tổ chức Công đoàn không chỉ đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn luôn chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), báo Lao động đã phỏng vấn ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về sự đồng hành với doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp, nhất là trong những thời điểm khó khăn.

Thưa Phó Chủ tịch, gần đây nhất, Tổng LĐLĐVN đã có Quyết định lùi thời hạn đóng kinh phí Công đoàn cho một số doanh nghiệp đến ngày 31.12.2023. Xin Phó Chủ tịch cho biết lý do của việc này?

- Phó Chủ tịch Phan Văn Anh: Quyết định về việc lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được xây dựng, ban hành trên một trong những cơ sở là Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; căn cứ Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, đồng ý cho các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1.1.2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2023. Để Quyết định này được thực hiện một cách hiệu quả, thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2023 và báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này về Tổng LĐLĐ trước ngày 31.1.2024.

Việc Tổng LĐLĐVN tiếp tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được đánh giá là không chỉ thực hiện việc chăm lo cho đoàn viên công đoàn và người lao động mà qua đó cũng chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp. Việc này được thực hiện như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

- Từ tháng 9 năm 2022 đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình họ. Trước tình hình trên, nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động, ngày 16 tháng 1 năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ). Theo đó, các cấp công đoàn đã dành 114.525.700.000 đồng từ nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ bằng tiền mặt cho 81.676 đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã (doanh nghiệp) có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022, bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023. Mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 01 triệu đến 3 triệu đồng. Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.

Thông qua chính sách hỗ trợ của tổ chức công đoàn, những đoàn viên công đoàn, người lao động chịu tác động lớn nhất, giảm sút nhiều nhất về việc làm, tiền lương, thu nhập được hỗ trợ đã thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, dành nguồn lực chăm lo phù hợp với điều kiện của tổ chức công đoàn, góp phần đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời, giúp đoàn viên công đoàn, người lao động vượt qua khó khăn, được Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Bước vào năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự sát sao, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động dần ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động, mở rộng sản xuất, kinh doanh, còn không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thách thức dẫn đến phải giảm, giãn thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cho người lao động nghỉ không hưởng lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động. Dự báo tình hình khó khăn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.

Trước tình hình trên, nhằm tiếp tục chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 01 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31 tháng 3 năm 2024. Cơ bản, chính sách tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động từ 01 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 không có sự khác biệt nhiều so với giai đoạn từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023, giữ nguyên các quy định về chính sách hỗ trợ, đối tượng, nguồn kinh phí, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức chi trả, hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế so với trước và tốt hơn cho đoàn viên, người lao động như: (1) thời gian nộp hồ sơ được nới rộng hơn trước (đến hết ngày 31.1.2024 tức là sau ngày kết thúc chính sách 1 tháng); (2) quy định đoàn viên, người lao động được hưởng hỗ trợ nhiều hơn trong trường hợp đoàn viên, người lao động thuộc đối tượng hưởng 02 chính sách hoặc cả 03 chính sách hỗ trợ (trước đây, từ ngày 01.10.2022 đến hết 31.3.2023, ví dụ như đoàn viên được hưởng cả 3 chính sách hỗ trợ thì sẽ số tiền tối đa nhận được là 3 triệu đồng. Nhưng trong giai đoạn từ ngày 01.4.2023 đến hết ngày 31.12.2023, đoàn viên công đoàn được hưởng cả 3 chính sách hỗ trợ thì số tiền tối đa được hỗ trợ là 6 triệu đồng); (3) bổ sung quy định về việc công đoàn hỗ trợ phí chuyển khoản trong trường hợp đoàn viên, người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng; (4) xem xét quyết định hỗ trợ đối với những trường hợp đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023, đã nộp hồ sơ cho các cấp công đoàn sau ngày 31 tháng 3 năm 2023 mà công đoàn cấp trên cơ sở chưa thẩm định hoặc quyết định hỗ trợ; (4) bổ sung thêm một số quy định nhằm hạn chế trục lợi chính sách.

Bên cạnh sự hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính, thời gian qua, các cấp Công đoàn còn thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của đoàn viên, người lao động, nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề của đoàn viên, người lao động; chủ động đề xuất, phối hợp với các cấp chính quyền có các chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, lao động, nhất là vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, thiết chế công cộng, phòng khám bệnh, giá điện, nước...; tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp về phương án, kế hoạch sản xuất, sử dụng lao động, đảm bảo việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, nhằm giữ tối đa việc làm, duy trì lực lượng lao động; ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể nhằm mang lại quyền lợi tốt hơn cho đoàn viên, ngươi lao động, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực, tập trung tổ chức các hoạt động chăm lo mang đậm nét công đoàn cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức công đoàn, giúp người lao động có cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào việc hạn chế, phòng ngừa “tín dụng đen” trong công nhân, lao động.

Tổ chức Công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bằng nhiều hoạt động, trong đó có chăm lo cho NLĐ như trao hỗ trợ tại dây chuyền sản xuất, tại nhà trọ, tổ chức xe đưa đón công nhân dịp Tết nguyên đán...(ảnh minh hoạ). Ảnh: Kiều Vũ

Tổ chức Công đoàn đã có những quyết sách kịp thời, thiết thực không chỉ để hỗ trợ đoàn viên, người lao động mà còn chia sẻ gánh nặng khó khăn với doanh nghiệp. Để đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như đảm bảo việc làm, thu nhập cho đoàn viên, người lao động, đồng thời góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, tổ chức Công đoàn mong muốn gì ở các doanh nghiệp, thưa Phó Chủ tịch?

- Phó Chủ tịch Phan Văn Anh: Doanh nghiệp cần xác định người lao động là tài sản quý giá nhất để có các hoạt động bảo vệ tốt nhất. Trong đó, doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật lao động, ít nhất là đảm bảo các chế độ, chính sách đúng theo luật định và hướng tới những chế độ cao hơn cho người lao động. Tổ chức Công đoàn cũng sẽ tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đảm bảo việc làm, thu nhập, phúc lợi cho người lao động thì họ sẽ yên tâm cống hiến trí tuệ, sức khoẻ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Và, chỉ khi doanh nghiệp phát triển bền vững, kết quả sản xuất kinh doanh tốt thì người lao động mới được hưởng nhiều quyền lợi nhất.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn