MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không ít CNLĐ tại Cty TNHH Hoan Vinh đã được CĐCS và lãnh đạo Cty giúp thoát khỏi tín dụng đen. Ảnh: N.V

Công đoàn nỗ lực ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trong CNLĐ

KỲ QUAN LDO | 14/01/2019 21:04

Tín dụng đen (TDĐ) đang lén lút hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Tiền Giang, đưa hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) và gia đình họ vào “tròng”. Tổ chức Công đoàn (CĐ) tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc “tuyên chiến” với TDĐ nhằm bảo vệ CNLĐ.

Môi trường béo bở của TDĐ

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của CNLĐ, nhất là CNLĐ xa nhà tại các KCN, nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi đã đến các KCN để chào mời cho CNLĐ vay tiền với thủ tục rất đơn giản. Vay thì dễ, nhưng trả không dễ, vì lãi suất rất cao, gấp cả chục lần lãi suất ngân hàng.

Theo thống kê của CĐ Các KCN tỉnh Tiền Giang, vào thời điểm cuối năm 2018 có trên 2.500 CNLĐ tại các KCN vay tiền TDĐ. Họ vay với nhiều hình thức như góp tiền hàng ngày, góp hàng tuần, góp hàng tháng. Dù vay với hình thức nào thì tính ra, lãi suất cũng cao gấp cả chục lần lãi suất ngân hàng. Chẳng hạn, nếu CNLĐ vay số tiền 5 triệu đồng theo hình thức “góp ngày”, thì điều kiện trả nợ là mỗi ngày “góp” 200 ngàn đồng, trả liên tục trong vòng 1 tháng. Tính ra người vay phải trả tổng cộng 6 triệu đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng. Nếu người vay vì lý do nào đó không đóng 1 ngày, thì ngày hôm sau phải đóng gấp 3 lần (cho ngày tới hạn và phạt gấp đôi ngày không đóng trước đó). Nhiều CNLĐ phải giao thẻ ATM nhận lương của mình cho chủ nợ, họ đi làm mà không biết lương là gì. Nhiều con nợ không có khả năng trả tiền vay, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất. Họ bị chủ nợ đe dọa, khống chế, đánh đập, nhiều người phải bỏ làm, đi thật xa để trốn nợ.

Mới đây, tại Cty TNHH XNK Thực phẩm Á Châu (Cụm công nghiệp Trung An, TP.Mỹ Tho), với sự đề xuất của CĐCS đơn vị, lãnh đạo Cty đã cho CNLĐ là chị X tạm ứng số tiền hơn 10 triệu đồng để trả nợ TDĐ. Trước đó, thấy CNLĐ này liên tục nghỉ việc mà không rõ lý do, cán bộ CĐ tìm hiểu và biết do chị X vay tiền TDĐ, không có khả năng trả nợ, nên bị chủ nợ khống chế, không đi làm được. Tại Cty TNHH May mặc Hoan Vinh (huyện Châu Thành), trong năm qua lãnh đạo Cty đã cho 3 - 4 trường hợp CNLĐ tạm ứng tiền để trả nợ vay TDĐ mất khả năng trả nợ.

Tổ chức CĐ vào cuộc

Trước tình hình trên, tháng 12.2018, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn gửi đến các cấp CĐ trong tỉnh yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn TDĐ trong CNLĐ, như: Giúp CNLĐ hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của TDĐ để họ nói không với nạn cho vay này. Tuyên truyền bằng các hình thức như phát trên loa truyền thanh, bảng thông báo nội bộ, các buổi sinh hoạt tổ CĐ. Các cấp CĐ rà soát, nắm chắc tình hình TDĐ trong CNLĐ, kịp thời phát hiện và có biện pháp giúp đỡ những trường hợp CNLĐ đã lỡ vướng vào TDĐ. Chủ động báo cáo với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp để có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn triệt để nạn TDĐ tại các KCN.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - ông Trương Văn Hiền cho biết, ngoài nỗ lực ngăn chặn TDĐ trong CNLĐ, tổ chức CĐ còn tác động để các tổ chức tín dụng chính thống tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ dễ tiếp cận nguồn vốn, giúp họ nói không với TDĐ. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm ngăn chặn, loại trừ hoạt động TDĐ tại các KCN.

Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, CĐ các KCN Tiền Giang đang tổ chức đợt tuyên truyền rộng rãi về nạn TDĐ trong đoàn viên và CNLĐ với 52 cuộc sinh hoạt trực tiếp, gần 40 nghìn CNLĐ tham gia. Các CĐCS còn thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền khác, như: Dán văn bản tại những nơi tập trung đông CNLĐ như nhà ăn, cổng Cty; phát loa phóng thanh hàng ngày; đưa vào nội dung sinh hoạt tổ CĐ. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương đánh giá, với sự vào cuộc quyết liệt của tổ chức CĐ, hầu hết CNLĐ đã nhận ra tác hại của TDĐ và nói không với nó. Công việc khó khăn không kém của tổ chức CĐ là giúp những CNLĐ đã trót vướng vào TDĐ thoát ra khỏi nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn