MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch sáng 24.4. Ảnh: Hải Nguyễn

Công đoàn sẽ có gói hỗ trợ công nhân đặc biệt khó khăn

việt lâm LDO | 25/04/2020 07:42
Ngày 24.4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ XII (khoá XII). Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội nghị. Một nội dung quan trọng được Tổng LĐLĐVN đưa ra tại hội nghị là một số giải pháp của tổ chức công đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu và các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch. Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội cùng dự hội nghị.

Lần đầu tiên Hội nghị Đoàn Chủ tịch được tổ chức trực tuyến

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII tổ chức phiên họp lần thứ XII bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội (2 điểm) và điểm cầu TP.Hồ Chí Minh. Việc tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN theo hình thức trực tuyến sẽ được Thường trực Đoàn Chủ tịch nghiên cứu, áp dụng cho những kỳ họp tiếp theo. 

Trong buổi làm việc đầu tiên của hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã trình bày các Tờ trình: Về dự thảo văn bản triển khai Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; Dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan Công đoàn (CĐ) ngành Trung ương và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc CĐ ngành trung ương và tương đương; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 24.6.2014 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI về nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các đồng chí Uỷ viên Đoàn Chủ tịch đã có nhiều ý kiến đóng góp về mô hình tổ chức, tên gọi của các ban cơ quan LĐLĐ các tỉnh, thành phố theo 5 mô hình, từ 3 ban đến 7 ban; về chức năng nhiệm vụ của các ban; về chức danh lãnh đạo quản lý đối với Văn phòng - Tài chính, Ban Tuyên giáo - Nữ công, Ban Chính sách - Quan hệ lao động và ban Tổ chức - Kiểm tra sau khi hợp nhất… 

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho rằng, sau hội nghị, các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch phải có quyết tâm cao để “truyền lửa” cho các đầu mối liên quan để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, tinh giản biên chế… Đối với những đề xuất của các uỷ viên sẽ được Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu và gửi lại các uỷ viên bằng văn bản (trong đầu tháng 5.2020) để lấy ý kiến lần cuối, trước khi ký ban hành…

“Hiện nay, việc định biên cán bộ CĐ chuyên trách tại các địa phương còn có hiện tượng cào bằng, chưa căn cứ chính xác vào tình hình quan hệ lao động tại các địa phương (số lượng người lao động (NLĐ), số lượng CĐCS, diễn biến tình hình quan hệ lao động)… Do đó, Tổng LĐLĐVN đã thống nhất với Ban tổ chức T.Ư, trong thời gian tới sẽ thành lập đoàn công tác xuống trực tiếp các tỉnh, thành phố tìm hiểu, đánh giá các yếu tố để đưa ra số cán bộ CĐ và số ban cụ thể của từng tỉnh, thành, CĐ ngành, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Đặc biệt, Thường trực Đoàn Chủ tịch đang tiếp tục tính toán thực hiện nghị quyết để giảm biên chế theo nghị quyết 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần bộ máy tinh gọn nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ cán bộ CĐ các cấp” - đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết.

Trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, các đại biểu cũng đã có ý kiến đóng góp vào Dự thảo Quy chế thống nhất hoạt động đối ngoại của CĐ Việt Nam (thay thế Quyết định số 1395/QĐ-TLĐ ngày 8.10.2015); Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong CNLĐ tại khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2020 - 2025”; Hướng dẫn, bổ sung thực hiện “Tháng Công nhân năm 2020”; về việc báo cáo đánh giá tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020… 

Một chủ trương nhân văn

Một nội dung quan trọng được Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đưa ra tại Hội nghị lần thứ XII là Tờ trình về một số giải pháp của tổ chức CĐ liên quan đến dịch bệnh COVID-19 (Tờ trình).

Trình bày Tờ trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và dẫn tới một bộ phận công nhân lao động (CNLĐ) đang đứng trước khó khăn gay gắt về việc làm, thu nhập, đời sống. 

Thời gian qua, các cấp CĐ trong cả nước cũng đã chủ động, tích cực, nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan, người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm, thu nhập của NLĐ… Để chủ động ứng phó với tình hình, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện để hạn chế những tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có việc hỗ trợ đoàn viên (ĐV), NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã thay mặt Thường trực đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đồng ý chi hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Nguồn chi hỗ trợ từ nguồn tài chính tích lũy tại LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương và tương đương, CĐ TCty thuộc Tổng LĐLĐVN và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; tối đa không quá 50% nguồn kinh phí dự phòng theo quyết định giao dự toán năm 2020 của Tổng LĐLĐVN… 

Tổng LĐLĐVN cũng khuyến khích các cấp CĐ tích cực huy động nguồn lực xã hội, mở rộng các đối tác phúc lợi để mang lại lợi ích cho NLĐ; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ ĐV, NLĐ. Tổng LĐLĐVN kêu gọi, vận động cán bộ CĐ chuyên trách các cấp đóng góp tiền lương (làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) để tạo nguồn kinh phí chia sẻ với khó khăn của ĐV, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Đối tượng hỗ trợ là các trường hợp ĐV, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” - Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho hay.  

Sau khi đồng chí Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình, các uỷ viên đoàn Chủ tịch đều đã đồng tình với chủ trương hỗ trợ của tổ chức CĐ đối với CNLĐ rơi vào tình trạng khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Vũ Xuân Thuỷ - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - cho rằng, việc Đoàn Chủ tịch đề xuất CĐ chi hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là một hành động rất nhân văn…

“Trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã triển khai hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng/người. Khi cán bộ CĐ tỉnh đến trao hỗ trợ cho ĐV, CNLĐ… họ rất cảm động và cho rằng mặc dù số tiền không lớn, nhưng sự chia sẻ của CĐ rất đúng thời điểm. Chủ trương của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN rất đúng và trúng” - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh chia sẻ. 

Liên quan tới Tờ trình, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nói rằng, Tổng LĐLĐVN giao cho CĐCS, LĐLĐ các tỉnh, thành, CĐ ngành xác định đúng đối tượng thực sự rất khó khăn. Sau đó, Thường trực Đoàn Chủ tịch sẽ tính toán mức, thời gian đóng góp của các cán bộ CĐ chuyên trách… để định hướng, quyết định nội dung trên trong thời gian sớm nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn