MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo đánh giá đánh giá thực trạng thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp và đề xuất giải pháp của tổ chức Công đoàn thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Công đoàn thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp

Kiều Vũ - Hải Nguyễn LDO | 30/06/2022 10:27
Hà Nội - Đánh giá thực trạng thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp và đề xuất giải pháp của tổ chức Công đoàn thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp là nội dung của Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 30.6.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học "Giải pháp thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp và vai trò công đoàn" của Tổng Liên đoàn giao Ban Nữ công chủ trì.

Bà Trần Thu Phương trình bày một số kết quả khảo sát của đề tài. Ảnh: Hải Nguyễn 

Khai mạc hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân - Quyền trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho biết, mục tiêu của đề tài là làm rõ cơ sở lý luận và phân tích rõ thực trạng quyền của lao động nữ được hưởng, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật đồng thời giúp lao động nữ hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ. Từ đó thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong quan hệ lao động; định hướng cho cán bộ công đoàn những quyền cơ bản của lao động nữ để làm cơ sở, căn cứ cho việc thương lượng, đàm phán những chế độ, chính sách có lợi cho lao động nữ và bảo vệ lao động nữ trong quan hệ lao động; đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền của lao động nữ tại doanh nghiệp.

Bà Đỗ Hồng Vân khai mạc hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn 

11,9% lao động nữ sẵn sàng nộp các giấy tờ gốc để được tuyển dụng

Bà Trần Thu Phương - Chủ nhiệm đề tài - cho hay, qua kết quả khảo sát của đề tài cho thấy, 78,2% người lao động khẳng định doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ; 9,8% lao động nữ cho rằng, thu nhập của họ thấp không đảm bảo cuộc sống nên họ phải đăng kí làm thêm giờ; 34,2% người lao động cho rằng, lao động nữ không được quyền tham gia các lớp đào tạo nghề của doanh nghiệp. Cá biệt có 1,6% lao động nữ khi tham gia tuyển dụng được yêu cầu không được sinh con trong 1 thời gian nhất định; 1% lao động nữ được yêu cầu thử thai trước khi ứng tuyển.

Cũng qua khảo sát cho thấy, 11,9% lao động nữ vẫn sẵn sàng nộp các giấy tờ gốc như căn cước công dân, bằng cấp hoặc đặt cọc tiền để được tuyển dụng. Những số liệu trên đây cho thấy, vẫn còn tình trạng lao động nữ chưa nhận thức hết được quyền lợi của mình.

Cũng về vấn đề tuyển dụng, từ 41,8%-69% người lao động khẳng định trong quá trình tuyển dụng Công đoàn có hỗ trợ về hoàn thiện hồ sơ, phổ biến các quy định khi làm việc, bảo vệ khi bị phân biệt về giới tính…81,4% cán bộ Công đoàn khẳng định có thực hiện giám sát và bảo vệ lao động nữ trong tuyển dụng, trong đó 24.2% yêu cầu người sử dụng lao động không được cấm người lao động kết hôn hoặc sinh con trong 1 thời gian nhất định; 22,2% yêu cầu người sử dụng lao động không được bắt lao động nữ thử thai trước khi ứng tuyển vào doanh nghiệp; 30,3% đàm phán với người sử dụng lao động không bắt buộc lao động nữ làm thêm khi doanh nghiệp có yêu cầu; 20,2% đàm phán với người sử dụng lao động không ưu tiên lao động nữ là người địa phương khi tuyển dụng; 20,2% đề nghị người sử dụng lao động  không bắt người lao động đặt cọc 1 số tiền nhất định hoặc giữ bằng cấp, giấy tờ tùy thân của lao động nữ…

Một số giải pháp thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp

Một nội dung được quan tâm là những giải pháp thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp. Tại Hải Phòng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hướng dẫn các Công đoàn cơ sở đa dạng hóa các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho nữ lao động như tổ chức đi dã ngoại, nghe chuyên gia nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách chăm sóc con nhỏ, phòng chống ung thư, tổ chức thi cắm hoa, nấu ăn, liên hoan văn nghệ, giao lưu thể thao…

Thông qua đó tạo sân chơi để chị em có cơ hội thể hiện tài năng của bản thân cùng như có cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các bộ phận tại đơn vị. Bằng những hoạt động cụ thể, các cấp Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng đã khẳng định vai trò của mình trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ đoàn viên, người lao động, góp phần vào việc nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn. Nữ công nhân lao động thường xuyên chia sẻ những vướng mắc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, từ đó Công đoàn cơ sở kịp thời đề xuất giải quyết, không để xảy ra đình công ngừng việc tập thể tại Khu Kinh tế Hải Phòng. 

Đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn 

Đối với Công đoàn Dệt May Việt Nam, Văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn Dệt May Việt Nam thường xuyên cập nhật và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang Facebook Công đoàn Dệt May Việt Nam, gửi email cho Công đoàn cơ sở những thông tin mới nhất, các tình huống pháp luật liên quan đến quyền lợi và chính sách đối với lao động nữ để người lao động khai thác nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật.

Tại hội thảo, cán bộ Công đoàn đến từ các Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương trao đổi, thảo luận về chỉ đạo Công đoàn cơ sở chăm lo, thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp - những điển hình hay cần nhân rộng; những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay; phát huy vai trò của công đoàn ngành trong việc chăm lo, bảo vệ quyền của lao động nữ trong các doanh nghiệp ngành dệt may; phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở thông qua đối thoại tại nơi làm việc, đàm phán và kí kết Thoả ước lao động tập thể nhằm thực hiện và bảo vệ quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp; thực trạng thực hiện quyền của lao động nữ tại doanh nghiệp và đề xuất sự hỗ trợ của người sử dụng lao động, Công đoàn các cấp để thực hiện tốt hơn quyền của lao động nữ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn