MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình: “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động”. Ảnh: Hà Anh Chiến

Công đoàn tìm giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân

HÀ ANH CHIẾN LDO | 18/06/2022 07:04

Trước thực trạng “tín dụng đen” vẫn đang len lỏi trong đời sống công nhân người lao động, đặc biệt là sau đợt dịch COVID-19 khi nhu cầu vay vốn của người lao động tăng cao, các cấp công đoàn trong tỉnh Đồng Nai đã đưa ra rất nhiều giải pháp thiết thực để giúp công nhân tránh xa tín dụng đen.

Đơn cử, mới đây, một người lao động ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất vay tiền qua app là 65 triệu đồng với lãi suất “nóng”. Tiền vay và lãi suất phải trả lên tới 200 triệu đồng. Vì chưa trả nợ, người này và các đồng nghiệp bị các đối tượng lạ mặt khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình lên mạng xã hội rồi vu khống, bêu rếu, xúc phạm danh dự. Ngoài các hình thức vay tiền qua app trên mạng xã hội, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, tại các khu nhà trọ công nhân, bờ tường, cột điện… rất nhiều thông tin quảng cáo giúp công nhân vay tiền “nóng” một cách dễ dàng mà không cần thế chấp tài sản. 

Đại diện chủ tịch Công đoàn cơ sở tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom cũng lên tiếng cảnh báo về việc các tờ rơi, bảng quảng cáo cho vay tiền xuất hiện đầy rẫy ở các cây cột điện xung quanh công ty, có rất nhiều người lạ mặt phát tờ rơi cho công nhân. Đại diện này cũng cho rằng, rất khó để kiểm soát tình trạng tín dụng đen, đặc biệt là thời điểm sau dịch bệnh COVID-19, khi nhiều người lao động đang có nhu cầu vay vốn. 

Trong cuộc họp giữa LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về vấn đề tín dụng đen, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, cơ quan công an cũng luôn tuyên truyền vận động công nhân lao động hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các đối tượng tín dụng đen xâm nhập trong công nhân, làm rõ các tác hại, hệ lụy xảy ra. Ngay cả trong nội bộ công nhân cũng xảy ra các hoạt động tín dụng đen. Còn ở bên ngoài, các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân, không có tiền, không có thế chấp, để cho công nhân vay tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng, nhưng công nhân không lường được mức độ bóc lột của tín dụng đen.

Tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) có 24.000 công nhân, Chủ tịch công đoàn cơ sở Lê Nhật Trường cho biết, để giúp công nhân thoát khỏi cảnh vay tín dụng đen, CĐCS công ty đã liên hệ với các tổ chức tài chính chính thống, có uy tín như Quỹ CEP, các ngân hàng… tạo nguồn vốn cho NLĐ vay vốn, đến nay đã tổ chức cho hàng chục ngàn lượt công nhân vay với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, giúp nhiều công nhân tránh xa tín dụng đen, kết nối được công nhân lao động với tổ chức công đoàn. 

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Cty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), có khoảng 36.000 công nhân - cho biết, về giải pháp lâu dài, CĐCS công ty đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cho CNLĐ hiểu được mối nguy hại từ việc cho vay nặng lãi bên ngoài; đồng thời, khuyến cáo công nhân khi có khó khăn thì đã có Quỹ Công đoàn có thể hỗ trợ cho công nhân, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp. Đồng thời, còn mở các lớp huấn luyện tài chính cá nhân cho công nhân, huấn luyện cách chi tiêu hợp lý. 

Trước thực trạng “tín dụng đen” thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, trong đó có đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai mới đây cũng vừa ký kết biên bản ghi nhớ chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ với một Công ty Tài chính. Nội dung ký kết gồm các gói vay tiêu dùng ưu đãi, thẻ tín dụng dành riêng cho đoàn viên, NLĐ làm việc tại Đồng Nai, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn mua sắm, sửa chữa nhà cửa, cho vay trả góp, thẻ rút tiền mặt khẩn cấp với lãi suất ưu đãi. Chương trình ký kết nhằm đưa các hoạt động hỗ trợ tài chính xuống tận cơ sở, đến được với đoàn viên, NLĐ hiệu quả, thiết thực nhất, giúp NLĐ kịp thời giải quyết những khó khăn, áp lực trong cuộc sống để yên tâm làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn