MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn TP Tam Kỳ, Quảng Nam khảo sát điều kiện làm việc của công nhân lao động tại một Công ty may. Ảnh: Hoàng Bin

Công đoàn tỉnh Quảng Nam tham gia giải quyết tốt tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

Hoàng Bin LDO | 10/10/2023 09:34

Tổ chức Công đoàn tại Quảng Nam đã làm tốt vai trò cầu nối giữa người lao động (NLĐ) với chủ doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp lao động. Qua đó, góp phần tạo quan hệ hài hòa, gắn kết, đưa doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ.

Chủ động thành lập tổ chức Công đoàn

Sau hơn 2 năm hoạt động, cuối tháng 2.2023, Công ty CP Dược phẩm Việt Miền Trung (trụ sở tại xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Tam Kỳ trao quyết định thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) và kết nạp 106 đoàn viên.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Miền Trung - chia sẻ với PV Báo Lao Động, ông xem bản thân cũng là NLĐ chứ không phân biệt chủ sử dụng lao động và đoàn viên.

“Công ty đã chủ động làm việc với LĐLĐ thành phố để được hướng dẫn thủ tục thành lập Công đoàn. Tôi mong muốn anh em cùng đoàn kết, hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng tạo điều kiện tốt nhất để Công đoàn phát huy vai trò đại diện cho đoàn viên, kết nối với doanh nghiệp” - ông Trung nói.

Theo ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước.

Trong 5 năm qua, Quảng Nam đã kết nạp mới gần 50 nghìn đoàn viên Công đoàn, đạt 226% so với chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao và đạt 249% so với Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018 - 2023), thành lập mới 2 nghiệp đoàn và 134 CĐCS, nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên hơn 136.000 đoàn viên và 1.848 CĐCS.

Sau khi thành lập tổ chức CĐCS, Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ đạo CĐCS phối hợp cùng chủ sử dụng lao động tiến hành thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết, ký kết lại thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT).

Giải quyết hài hòa tranh chấp lao động

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 1.807 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng quy chế dân chủ. Tỉ lệ CĐCS và doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT đạt từ 79,4% đến 87%, vượt chỉ tiêu hằng năm theo Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đề ra.

Nội dung TƯLĐTT trong doanh nghiệp được ký kết theo hướng có lợi hơn cho NLĐ so với quy định pháp luật. Đơn cử như về suất ăn công nghiệp, Tổng LĐLĐVN quy định tối thiểu 18.000 đồng/bữa ăn nhưng hiện nay, có nơi đã thực hiện 20.000 - 25.000 đồng/bữa, hoặc các chế độ khác như nghỉ dưỡng, thăm quan, hiếu hỷ, ma chay được quy định cụ thể.

Theo Sở LĐTBXH Quảng Nam, từ năm 2019 đến tháng 8.2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể của 8.230 NLĐ.

“7 cuộc đình công, ngừng việc được giải quyết chỉ sau từ 1-2 buổi đối thoại do Công đoàn tổ chức, đã tạo được sự đồng thuận giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động, NLĐ quay trở lại làm việc” - theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh.

Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam - đánh giá, việc giải quyết tranh chấp lao động một cách nhanh chóng đã làm tăng uy tín của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn đối với doanh nghiệp và NLĐ, đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn