MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Unipax Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) ngừng việc ngày 14.2, đến nay đã làm việc trở lại bình thường. Ảnh: PV

Công đoàn vào cuộc giải quyết hiệu quả

HÀ ANH CHIẾN LDO | 20/02/2020 07:30
Chỉ trong 1 tuần, địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra tới 4 vụ người lao động (NLĐ) ngừng việc do liên quan đến việc doanh nghiệp (DN) chưa xây dựng thang bảng lương năm 2020, cũng như NLĐ chưa đồng tình với cách điều chỉnh lương, nâng lương hàng năm của DN. Tuy nhiên, khi công đoàn vào cuộc, những bất đồng giữa DN và NLĐ được giải quyết ngay trong ngày, công nhân trở lại làm việc bình thường.

1.400 công nhân ngừng việc vì điều chỉnh lương

Một vụ ngừng việc lớn xảy ra tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vào sáng 14.2, tại Công ty TNHH Unipax Việt Nam đã có 1.345/1.600 công nhân lao động tham gia ngừng việc. NLĐ cho biết, do cách công ty điều chỉnh tăng lương hàng năm gây ảnh hưởng tới quyền lợi chung của NLĐ nên đã ngừng việc,   yêu cầu phải công khai việc điều chỉnh việc tăng lương hàng năm để công nhân được biết.

“Mọi năm, công ty có đánh giá năng lực NLĐ. Theo đó, mỗi năm khi tái ký hợp đồng, NLĐ sẽ được tăng từ 3% - 10% lương cơ bản tùy theo năng lực. Nhưng năm nay, công ty bỏ phần này mà chỉ tăng lương cho công nhân ở mức là 270.000 đồng” - một NLĐ cho phóng viên Báo Lao Động biết.

Nhận được tin, Công đoàn Khu Công nghiệp Biên Hòa cùng các ngành chức năng đến nắm tình hình và làm việc với Ban giám đốc công ty. Qua làm việc, Ban giám đốc công ty đã tiếp thu ý kiến từ đoàn công tác và nhanh chóng ra thông báo. Cụ thể: “Hàng năm khi đến ngày tái ký hợp đồng lao động, công nhân sẽ được tăng 5% trên mức lương cơ bản”. Đến 10 giờ 15 phút cùng ngày, công nhân đã đồng ý với nội dung thông báo của công ty và trở lại làm việc bình thường.

Cũng trong ngày 14.2, tại Công ty TNHH Dệt Hoành Thân (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã có 60/90 công nhân lao động tham ngừng việc. Nguyên nhân ngừng việc do công nhân đề nghị công ty thông báo điều chỉnh tăng lương hàng năm; tăng suất ăn từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.

Tại vụ việc này, Công đoàn Khu Công nghiệp Biên Hòa cùng các ngành chức năng đến nắm tình hình và làm việc với Ban giám đốc công ty. Qua làm việc, Ban giám đốc công ty cam kết sẽ tăng tiền ăn từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng; đồng thời sẽ điều chỉnh lương năm 2020 theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Đến ngày 15.2, công ty có thông báo giải quyết kiến nghị của công nhân lao động. Sau khi công ty có thông báo, công nhân đã trở lại làm việc bình thường.

Hiệu quả nhờ chủ động vào cuộc giải quyết sớm

Trước đó, chỉ trong 1 ngày cũng xảy ra hai vụ ngừng việc tập thể xảy ra tại Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành) và Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa). Tại Công ty TNHH JoMu (ngành nghề Dệt), có 70/245 công nhân lao động tham gia ngừng việc do công ty chưa xây dựng và đăng ký thang bảng lương năm 2020. LĐLĐ huyện Long Thành đến nắm tình hình và làm việc với Ban giám đốc công ty và công ty cam kết sẽ thực hiện đúng như yêu cầu của người lao động.

Tại Công ty TNHH Mộc Nghệ Thuật (Khu công nghiệp Tam Phước), có 400/840 công nhân lao động tham gia ngừng việc do NLĐ không đồng ý với thông báo của công ty về việc điều chỉnh lương, nâng lương hàng năm. Cụ thể, công ty thông báo không chi tiết mức điều chỉnh lương, nâng lương cho người lao động. Khi Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa đến làm việc, Ban giám đốc công ty mới có thông báo chi tiết về mức điều chỉnh lương, nâng lương cho NLĐ từ 257.000đồng đến 667.000đồng. Sau đó, công nhân đã đồng ý với nội dung thông báo của công ty và trở lại làm việc bình thường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) - cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin các vụ ngừng việc từ công đoàn cơ sở, Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa đã kịp thời phối hợp với ngành chức năng để giải quyết. Do hầu hết vụ việc, công đoàn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của NLĐ từ trước nên đã có hướng xử lý kịp thời, làm việc với chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động. Sau khi nghe công đoàn giải thích, chủ doanh nghiệp cũng hiểu được vấn đề và có điều chỉnh kịp thời, còn NLĐ cũng trở lại làm việc bình thường, qua đó giữ được mối quan hệ lao động hài hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn