MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công đoàn Việt Nam - dấu ấn lớn lao trong tiến trình cách mạng

VƯƠNG TRẦN thực hiện LDO | 27/07/2019 18:00

Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh) khẳng định: 90 năm trưởng thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn to lớn, có vai trò nòng cốt trong tiến trình cách mạng. PV Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Thế Duyệt.

* Thưa ông, ông có thể điểm lại những dấu ấn của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm qua?

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã luôn luôn hăng hái đi đầu trong sự nghiệp cách mạng và hoạt động đúng hướng, góp phần vào những thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng của nước ta. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng thông qua tổ chức Công đoàn đã giác ngộ giai cấp công nhân và nhân dân lao động vạch trần chế độ hà khắc của đế quốc, phong kiến… Quá trình hoạt động cách mạng, Đảng đã cử nhiều cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào công nhân và tổ chức công đoàn.

Tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trước đây tuy còn nhỏ bé nhưng đã có những đóng góp rất quan trọng vào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Trước cách mạng tháng Tám, tổng khởi nghĩa năm 1945, 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm đấu tranh chống Mỹ và hơn 30 năm đổi mới (mặc dù các nước CNXH ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ) nhưng cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng, phát triển trong đó có vai trò không nhỏ của tổ chức Công đoàn. Ngày nay, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao.

* Như ông vừa nói, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước gắn với phong trào công nhân, công đoàn. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Trong dịp 90 năm kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam không thể không suy nghĩ về những bài học thành công, sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức công đoàn và phong trào công nhân lao động (CNLĐ). Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong hoạt động luôn gắn với phong trào công nhân và chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn.

Trước hết, phải nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Người tiêu biểu cho sự giác ngộ và trưởng thành trong các môi trường lao động, ở cả trong nước cũng như ngoài nước để hoạt động và trở thành lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc.

Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân và lãnh đạo tổ chức công đoàn như các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận… Điều này với tổ chức Công đoàn Việt Nam càng thấy có ý nghĩa to lớn.

* Trong tình hình mới, tổ chức công đoàn cần phải có sự đổi mới trong hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Trong tình hình mới, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia nhiều hiệp định thương mại của khu vực và quốc tế, bên những thuận lợi tạo điều kiện cho kinh tế phát triển thì cũng nảy sinh không ít thách thức. Do đó, tổ chức công đoàn cần phải hiểu đúng, hiểu rõ việc cần làm để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Trước hết, quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức công đoàn vẫn phải được coi trọng. Công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân vững mạnh thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh. Tới đây, dù chúng ta gia nhập hiệp định thương mại CPTPP thì cũng không thể có lực lượng nào tranh được vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đó là điều cần hiểu về mối quan hệ Đảng - giai cấp công nhân - tổ chức Công đoàn.

Cùng với đó, việc đổi mới trong tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn cũng là vấn đề rất quan trọng. Cán bộ công đoàn lúc này cần phải có lý luận, có trình độ, có hiểu biết thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động trong phong trào CNLĐ. Mặt khác, các tổ chức công đoàn ngành, địa phương có nên chỉ hoạt động như hiện nay không hay cần thay đổi như thế nào để hoạt động hiệu quả? Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Công đoàn cần hoạt động mạnh mẽ bảo vệ được quyền lợi của CNLĐ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ. Cùng với đó, công đoàn phải tổ chức, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức toàn diện cho CNLĐ ở các loại hình kinh tế mới phát triển.

Lúc này, việc tham gia quản lý nhà nước của công đoàn trong các cơ sở kinh tế, các cấp chính quyền càng cần phải được coi trọng. Công đoàn phải tích cực góp phần chống tham nhũng, quan liêu; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng.

* Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong quá trình công tác của mình với tổ chức công đoàn?

- Trong quá trình công tác, tôi có nhiều suy nghĩ về tổ chức công đoàn. Những người cán bộ công đoàn như thế hệ chúng tôi đều được Đảng giáo dục, rèn luyện và trưởng thành từ phong trào CNLĐ. Bản thân tôi từng làm công tác công đoàn các cấp từ phân xưởng, xí nghiệp sản xuất và sau này là ở công đoàn trung ương.

Điều tôi ghi nhớ mãi đó là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới tổ chức công đoàn và đời sống của CNLĐ. Nhiều vấn đề khó khăn của CNLĐ cũng từ đó đều được giải quyết nhanh chóng. Điều mà tôi cảm thấy rất vui sướng đó là đất nước ta đổi mới thành công và đang ngày càng phát triển. Trong đó, sự đóng góp của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn có ý nghĩa vô cùng to lớn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn