MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Phúc Huyên - Thuyền trưởng tàu Đại Nam thuộc Cty CP Vận tải biển VN - đang hướng dẫn các thuyền viên về công tác hàng hải tại buồng lái. Ảnh: CĐTCTY

Công nghệ 4.0 đòi hỏi thuyền viên phải giỏi

XUÂN TRƯỜNG thực hiện LDO | 16/10/2017 06:51
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ đang là yêu cầu cấp bách, nhất là trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 

Trả lời phỏng vấn của PV Báo Lao Động về tình hình trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CNVCLĐ trong ngành, nhất là lực lượng sĩ quan, thuyền viên VN hiện nay, ông Lê Phan Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ TCty Hàng hải VN - cho biết:

- Đối với đội ngũ sĩ quan, thuyền viên VN, có thể nói rằng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của anh em hoàn toàn không thua kém so với sĩ quan, thuyền viên các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia. Tuy nhiên, thuyền viên VN vẫn còn một số điểm yếu về tiếng Anh, kỹ năng làm việc trên tàu quốc tế, tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp chưa được tốt.

Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, tiền lương của thuyền viên VN khi tham gia cạnh tranh, hội nhập với thuyền viên các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh thuyền viên Châu Á (ASSM) lần thứ 34 diễn ra tại Singapore vào ngày 5.10 vừa qua đã nêu ra vấn đề đang hết sức nóng bỏng hiện nay trong lĩnh vực vận tải biển, đó là công nghệ 4.0 và những con tàu không người lái.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề việc làm của thuyền viên trong tương lai và đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi tổ chức CĐ có thuyền viên phải có những sự chuẩn bị hết sức cụ thể để đối phó với vấn đề này.

Thưa ông, vai trò của CĐ TCty Hàng hải VN trong việc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CNVCLĐ, thuyền viên VN?

- Nhận thức được vấn đề “NLĐ là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp” và đứng trước những thách thức như đã nói ở trên, CĐ TCty Hàng hải VN đã chủ động tổ chức triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ để họ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Triển khai Nghị quyết Đại hội XI CĐVN và chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” của Tổng LĐLĐVN, căn cứ thực tế của TCty Hàng hải VN và các doanh nghiệp thành viên, CĐ TCty Hàng hải VN đã xây dựng chương trình “CĐ tham gia công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” (gọi tắt là chương trình 422) nhằm nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức CĐ trong việc phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ, sĩ quan, thuyền viên, kịp thời đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS đưa nội dung thực hiện chương trình 422 vào kế hoạch công tác CĐ từng năm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần tổ chức thực hiện thành công chương trình công tác hằng năm của các cấp CĐ.

Tại các hội nghị tập huấn, họp giao ban các CĐCS và hội nghị BCH CĐ TCty Hàng hải VN hằng năm đều lồng ghép nội dung tổ chức thực hiện chương trình 422 tới đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách và bán chuyên trách; thông tin về các quy định mới về học nghề, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ và nhiều nội dung thiết thực khác liên quan trực tiếp đến NLĐ.

Qua 5 năm triển khai chương trình 422, hàng chục nghìn lượt NLĐ đã được tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần bổ sung kịp thời cho nguồn nhân lực ngành Hàng hải VN cả về số lượng và chất lượng.

CĐ TCty Hàng hải VN đã cùng với CĐ Thủy thủ toàn Nhật Bản (JSU) duy trì Dự án Nâng cao chất lượng thuyền viên VN (VSUP) với số lượng học viên mỗi năm gần 200 người và nội dung đào tạo gồm: Nâng cao trình độ tiếng Anh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cập nhật về các Công ước quốc tế, các kiến thức pháp luật hàng hải quốc tế và VN; rèn luyện tác phong kỷ luật, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ sĩ quan, thuyền viên VN đáp ứng yêu cầu làm việc trên các đội tàu VN và quốc tế.

Trong nhiệm kỳ 2013-2018 của CĐ TCty Hàng hải VN đã có hơn 1.000 thuyền viên các đơn vị vận tải biển thuộc TCty Hàng hải VN được đào tạo theo chương trình này.

Xin ông cho biết những đề xuất, kiến nghị của CĐ TCty Hàng hải VN để công tác nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyền viên VN đạt hiệu quả cao hơn?

- Chúng tôi sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung cho công tác đào tạo đội ngũ sĩ quan, thuyền viên VN có đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo hàng hải, cần tăng cường thời gian đào tạo thực tế trên tàu để học viên được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường thực tế, có kỹ năng xử lý tình huống. Như trong chuyến công tác tham dự Hội nghị ASSM lần thứ 34 vừa qua, chúng tôi được đến thăm Học viện Đào tạo hàng hải Wavelink (WMI) của CĐ Sĩ quan Hàng hải Singapore (SMOU).

Chương trình đào tạo thuyền viên của họ cũng kéo dài khoảng 3 năm, trong đó 8 tháng đầu tiên diễn ra tại Học viện, 12-15 tháng đi thực tế trên tàu, sau đó 8 tháng trở lại Học viện để hoàn thành chương trình học tập, nhận bằng tốt nghiệp với chức danh thợ máy 5 hoặc boong 3 và hoàn toàn đủ điều kiện làm việc trên các tàu quốc tế. Đây là một mô hình đào tạo hiệu quả mà các cơ sở đào tạo VN nên học hỏi kinh nghiệm.

Mặt khác, cần tăng cường cập nhật các Công ước, hệ thống luật pháp hàng hải quốc tế và VN để đội ngũ sĩ quan, thuyền viên VN nắm vững, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc trong quá trình làm việc.

- Xin cảm ơn ông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn