MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Văn Thị Thuỷ (sinh năm 1988, Bắc Giang) - Công nhân trong khu công nghiệp Thăng Long bật khóc vì chưa biết bao giờ có thể về thăm con.

Công nhân bật khóc vì dịch không được về thăm con

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 19/05/2021 16:48
Dịch COVID-19 không chỉ khiến thu nhập của không ít công nhân giảm sút mà nay họ còn không được về thăm con trong thời gian dài.

Chị Văn Thị Thuỷ (sinh năm 1988) đang làm công nhân Công ty TNHH Showa (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội). Quê ở Bắc Giang nên trước những diễn biến phức tạp của dịch tại quê nhà, chị Thuỷ không khỏi lo lắng.

Chị bật khóc: "Mỗi khi đọc được chia sẻ, tin tức của người dân ở Bắc Giang, tôi rất xúc động. Mong dịch sớm hết để tôi có thể về quê thăm con".

Dịch COVID-19 còn khiến công việc của chị Thuỷ ở công ty giảm một nửa. Một tuần nay, chị phải nghỉ việc luân phiên, đi làm 3 ngày, nghỉ 3 ngày.

Căn phòng chị Thuỷ đang thuê trọ cùng con gái. Ảnh: Minh Phương

Gắn bó với công ty 15 năm, chị Thuỷ được cất nhắc lên làm trưởng ca, lương của chị Thuỷ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, nếu một tuần chỉ đi làm 3 ngày, chị Thuỷ chỉ được hưởng 70% lương.

Nơi đựng đồ sinh hoạt chung của 2 mẹ con chị Thuỷ. Ảnh: Minh Phương

Thu nhập giảm, cuộc sống của chị Thuỷ khó khăn hơn khi cả gia đình đều trông cậy vào đồng lương của chị. Chị Thuỷ ước tính, tháng nào cũng gần 1 triệu tiền thuê trọ, 1,5 triệu tiền cho con gái lớn đi học, 2 triệu tiền sữa cho bé út, tiền ăn, xăng xe hàng tháng của 2 mẹ con trên Hà Nội vào khoảng gần 3 triệu đồng. Có những tháng phát sinh thì phải vay mượn thêm.

"Công nhân chúng tôi xác định không có thu nhập cao, cuộc sống cũng khó để dư giả. Một năm tôi chỉ dám mua quần áo vào dịp hè và vào ngày Tết. Quần áo mặc đi mặc lại nhìn mãi cũng quen" - chị Thuỷ nói.

Chị Thuỷ chỉ cho con gái học lớp 5 ôn bài khi nghỉ hè. Ảnh: Minh Phương

Trước đây, cả gia đình chị Thuỷ gồm 4 người sống cùng nhau tại Hà Nội nhưng vài tháng trở lại đây, chồng và cậu con trai gần 20 tháng tuổi phải về quê để tiện chăm sóc ông bà. Chị Thuỷ cho biết, qua hè này chị sẽ trả phòng trọ rồi 2 mẹ con cũng về quê, tuy nhiên, chị vẫn tiếp tục đi làm công ty và di chuyển bằng xe đưa đón.

Có đến các khu trọ mới thấy, mỗi gia đình công nhân có một hoàn cảnh, nhưng họ có nhiều điểm chung, đó là nhiều gia đình không thể sống cùng nhau do cuộc sống khó khăn, nhà trọ chật chội.

Căn phòng trọ trật chội của gia đình chị Thu. Ảnh: Bảo Hân

Chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1994) đã làm công nhân tại Công ty Nissei đã được 9 năm nay. Chị đã lập gia đình, con lớn gần 6 tuổi đang được gửi về quê nhờ ông bà trông, còn con nhỏ, mới 10 tháng tuổi, đang sống cùng bố mẹ trong căn phòng trọ chật chội, nóng bức.

Chồng chị Thu đang vất vả dỗ cháu bé quấy khóc vì bị viêm phổi. Do không thể sắp xếp được thời gian, anh chị phải thuê một người dân sống gần đó trông cháu với số tiền 3 triệu đồng/tháng.

“Công ty cũng cho “âu” (overtime-PV) - tăng ca, nhưng nếu tăng ca thì tôi được thêm vài trăm nghìn, trong khi đó phải mất thêm hơn 100.000 tiền thuê người trông cháu, vì vậy, tôi không chọn đi tăng ca, mặc dù rất muốn để có thêm thu nhập”- chị Thu chia sẻ.

Chị Thu và con gái 10 tháng tuổi.

Chồng chị Thu cũng làm công nhân, có mức thu nhập cao hơn: 9 triệu đồng/tháng, nhưng công việc cũng vất vả, mệt mỏi hơn. “Thu nhập của cả 2 vợ chồng là 15 triệu đồng/tháng, tuy vậy, do quá nhiều khoản phải chi nên có tháng chúng tôi phải vay mượn rồi đợi đến khi có lương thì trả lại”- chị Thu chia sẻ.

Chị Thu tâm sự, làm công nhân khiến chị rất mệt mỏi, nhưng chị vẫn phải cố gắng để có tiền trang trải cho gia đình. “Tôi đã cố 8-9 năm rồi, bây giờ đành cố tiếp thôi, với lại về quê cũng chẳng biết làm công việc gì để duy trì cuộc sống”- nữ công nhân nói.

This browser does not support the video element.

Video: Tâm sự của công nhân Nguyễn Thị Thu và Văn Thị Thuỷ. Thực hiện: Bảo Hân - Minh Phương

Một điều chị đang rất buồn bã, đó là từ Tết đến giờ, do dịch COVID-19 mà chị chưa có điều kiện về thăm con ở quê. Chị chỉ mong dịch COVID-19 sớm được kiểm soát để công việc của anh chị không bị ảnh hưởng, cũng như anh chị sớm được gặp lại con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn