MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưa 18.5, ông Bùi Văn Trường (bên phải), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare ICT Vân Trung - Việt Nam vận chuyển suất ăn cho nhân viên bị cách ly. Ảnh: NVCC

Công nhân bị cách ly do COVID-19 cần gì?

Bảo Anh LDO | 19/05/2021 08:27
Từ sáng 18.5, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng với huyện Việt Yên, tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp. Trước những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, cán bộ công đoàn và người lao động của các khu công nghiệp đang nỗ lực chống dịch. Qua ghi nhận thực tế, trong khó khăn, mọi người sẵn sàng lao vào điểm nóng, để cùng sẻ chia khó khăn, hoạn nạn.

Cán bộ công đoàn cùng công nhân chống dịch

Sáng 18.5, nhóm phóng viên của Báo Lao Động đã xuống các khu công nghiệp nằm tại huyện Việt Yên của tỉnh Bắc Giang để ghi nhận tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại các cửa khẩu vào khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân đều có lực lượng chức năng chốt chặn nhằm không để người ra, vào những điểm nóng.

Theo chia sẻ của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được biết, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và trong công ty có 2 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, nhưng hai cán bộ công đoàn của Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam - Vân Trung đã cùng anh chị em công nhân chống dịch…

Sau nhiều cố gắng, chúng tôi đã liên hệ được với ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare ICT Vân Trung - Việt Nam (có khoảng 24.000 người lao động) - hiện đang trong khu vực bị phong toả, ngăn chặn dịch COVID-19 .

Qua trao đổi, ông Trường cho biết, 12h20, ngày 15.5, khi biết được thông tin tại xưởng D1 của Công ty có đối tượng tiếp xúc với ca bệnh COVID-19, ban chấp hành công đoàn cơ sở đã “xác định” sẽ cùng anh chị em chống dịch. 1h, ngày 16.5, sau khi biết được thông tin tại Công ty có 2 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, lãnh đạo công ty và các cơ quan chức năng đã thực hiện phong toả khu xưởng D1 (có ca nhiễm COVID-19). Mặc dù không trực tiếp làm ở xưởng D1, nhưng ông Bùi Văn Trường - Chủ tịch CĐCS và ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch CĐCS đã ở lại Công ty, cùng anh em công nhân chống dịch.

Trưa ngày 18.5, ông Trường cho biết hiện nay tại công ty đã có hơn 1.000 cán bộ, nhân viên phải cách ly tại các xưởng sản xuất, văn phòng làm việc và khu cách ly do quân đội kiểm soát.

Qua điện thoại, ông Trường chia sẻ, hầu hết anh chị em nhân viên trong công ty thuộc diện phải cách ly phòng dịch tuổi đời đều còn trẻ, do đó, trong hoàn cảnh khó khăn, họ bị tâm lý vì không được tự do sinh hoạt, thiếu thốn nhu yếu phẩm, căng thẳng với nỗi lo nhiễm bệnh… nên ông và ông Chiến - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở đã “đồng cam, cộng khổ” cùng nhân viên, tuyên truyền cho anh chị em hiểu rõ về những khó khăn, thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang cũng như cả nước hiện nay.

Tính đến ngày 18.5, hai cán bộ Công đoàn đã ở vùng “nóng” với người lao động được 4 ngày.

“Qua ghi nhận ý kiến của anh chị em nhân viên phải cách ly trong 2 ngày đầu, chúng tôi được biết, tại khu cách ly, do phải tiếp nhận số lượng người cách ly quá lớn, nên trong 2 ngày đầu các nhu yếu phẩm cơm, nước chưa được đầy đủ… nên anh chị em nhân viên có ý kiến. Tuy nhiên, khi chứng kiến nỗi vất vả của các lực lượng chức năng như bộ đội, công an, cán bộ công đoàn… đang phải căng mình chống dịch, hết sức hỗ trợ phục vụ người bị cách ly, chúng tôi đã tuyên truyền, động viên anh chị em trong khu cách ly an tâm chống dịch. Sau khi được tuyên truyền, anh chị em nhân viên đã hiểu và tuân thủ mọi quy định được đặt ra trong khu cách ly” - ông Trường cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trường cho biết: “Hiện nay anh chị em đã an tâm chống dịch và họ cần được đáp ứng nhu yếu phẩm trong thời gian cách ly, phục vụ cuộc sống hằng ngày như các suất ăn, nước uống - đây là hai thứ quan trọng nhất. Ngoài ra cũng có một số thứ phát sinh mà công đoàn nắm bắt được là vấn đề băng vệ sinh, khẩu trang của chị em; thuốc chữa bệnh về tiêu hoá…”.

Tình người nơi xóm trọ

Tối 17.5, nghe thông tin khu trọ của mình tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị phong toả, chị Vũ Thị Hà (công nhân Công ty TNHH Luxshare-ICT) lo lắng, bởi các cửa hàng thực phẩm đều đóng cửa.

Lo lắng trước cảnh phải thiếu, đói, chị Hà đành gọi điện “cầu cứu” người thân ở quê tại xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Thương chị, em gái của Hà dành cả buổi sáng sớm để đi mua thực phẩm từ quả mướp, mớ rau đến sữa chua, thịt lợn, rồi đi xe máy mang đầu chốt phong toả của khu công nghiệp Quang Châu để chuyển tới chị.

Gần 11 giờ ngày 18.5, chúng tôi ghi nhận được cuộc gặp gỡ tại chốt phong toả bên ngoài khu công nghiệp Quang Châu giữa hai chị em diễn ra chớp nhoáng. Người em chỉ kịp đặt thực phẩm xuống đất (đặt trong nhiều túi nylon), nói với chị đôi lời rồi nhanh chóng rời đi.

“Chỗ thực phẩm này sẽ giúp tôi “cầm cự” được khoảng 10 ngày”- chị Hà cho hay. Chị cho biết thêm, sắp tới, sẽ chỉ ở trong phòng trọ để phòng dịch an toàn.

Khi chị Hà đang loay hoay, không biết sẽ mang số thực phẩm này về nhà trọ như thế nào vì khá nặng, bởi phải đi bộ đến gần 2km.

Thấy băn khoăn của chị Hà, một chiến sĩ cảnh sát cơ động đã dùng xe máy chở chị Hà về phòng trọ. Khi được hỗ trợ, chị Hà không giấu được niềm vui, cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát đã quan tâm đến chị.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại sau khi đã trở về phòng trọ, chị Hà cho hay, nhiều công nhân thuê trọ đang không mua được đồ ăn, nước uống. “Vừa về đến khu trọ, có một bạn than thở không mua được thực phẩm, vậy là tôi lại chia cho bạn ấy một nửa. Tôi chưa biết tên bạn ấy, nhưng thấy mình có thực phẩm, mà bạn ấy lại không có, nên tôi san sẻ chút, một miếng khi đói bằng một gói khi no”- chị Hà tâm sự.

Theo chị Hà, chị còn may mắn vì được tiếp tế, có người bạn của chị còn không có rau, không mua được mỳ tôm, gặp rất nhiều khó khăn. “Bạn đó mới xuống hai ngày thì bị phong toả, hình như không có tiền, trong phòng không có thực phẩm”- chị Hà kể lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn