MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn tỉnh Nam Định phát tờ rơi tuyên truyền tới công nhân lao động về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Ảnh: PV

Công nhân cần tỉnh táo trước thông tin thất thiệt

Quế Chi LDO | 11/02/2020 07:46
Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra diễn biến phức tạp, công nhân lao động rất cần được tiếp cận những thông tin chính thống, chính xác. Các cấp công đoàn cùng cơ quan chức năng đang tích cực tuyên truyền để người lao động tránh những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh này.

Nhiều thông tin thất thiệt

Thời gian vừa qua, liên quan đến dịch bệnh do nCoV, rất nhiều thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng được đưa lên mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận.

Một trong những trường hợp đưa tin thất thiệt là từ T.V.H ở xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi đọc được trên mạng xã hội nội dung nói rằng nhà nước phun thuốc ngừa nCoV trên bầu trời, T.V.H đã đăng tải lên trang facebook của mình với nội dung này. Tại cơ quan công an, T.V.H đã thừa nhận hành vi vội vã đưa tin chưa được kiểm chứng của mình là vi phạm pháp luật.

Trước đó, cơ quan công an đã phát hiện và xử phạt với 2 trường hợp: L.T.P (sinh năm 1992, ở xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) - chủ tài khoản facebook có tên “Phuong Le” và B.H.A (sinh năm 1997, tạm trú ở phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vì đưa tin sai sự thật về dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ tại Vĩnh Phúc, nhiều tỉnh thành khác cũng có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để đưa thông tin thất thiệt, câu view nhằm bán hàng hàng online, thậm chí để lừa đảo bán hàng... Nhiều trường hợp đã bị cơ quan công an làm việc, xử phạt.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Thành - công nhân Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Hà Nội - cho rằng, hiện nay, thông tin về virus Corona trên mạng xã hội rất nhiều. Nếu không tỉnh táo, người đọc nói chung và công nhân lao động (CNLĐ) nói riêng rất dễ trở thành nạn nhân của tin giả khiến mình và nhiều người khác hoang mang, lo lắng.

Theo anh Thành, người lao động (NLĐ) cần phải biết tự chắt lọc thông tin, chỉ tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước; cổng thông tin của chính quyền các cấp, Bộ Y tế; thông tin từ tổ chức CĐ… Không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin không chính xác để tránh làm dư luận hoang mang.

Công đoàn tăng cường tuyên truyền

Để NLĐ có thông tin chính thống, các cấp CĐ cũng đang nỗ lực đổi mới cách thức tuyên truyền. Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Hoisiden Việt Nam (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã duy trì Facebook riêng của CĐCS từ nhiều năm nay. Dịp này, Facebook của CĐCS thường xuyên cập nhật trên Facebook của CĐCS về số người nhiễm virus Corona trong ngày, số người chết vì virus Corona trên thế giới, công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, CĐ các KCN tỉnh… để CNLĐ nắm được. Ngoài ra, trang Facebook này còn chia sẻ về các đối tượng đưa thông tin thất thiệt bị phạt như nào… để CNLĐ cẩn trọng khi tiếp cận thông tin trên mạng. Nhờ vậy, tình hình tư tưởng của CNLĐ trong công ty ổn định, CNLĐ yên tâm sản xuất.

Còn ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - cho hay, xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, CĐ các KCN đã ban hành văn bản tuyên truyền phòng chống nCoV trong các KCN tỉnh. CĐ thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra của Ban quản lý các KCN.

“Các CĐCS đều có nhóm Zalo. Vì vậy, những thông tin về dịch bệnh, phương pháp phòng chống virus Corona hay thông tin về các đối tượng đưa tin thất thiệt bị xử lý… đều được chia sẻ lên các nhóm Zalo này giúp đoàn viên, NLĐ nắm được thông tin nhanh và chính xác” - ông Sinh nói thêm.

Vẫn theo ông Sinh, hiện nay, do ai cũng có quyền đưa lên Facebook cá nhân của mình nên mạng xã hội có rất nhiều thông tin về virus Corona. “Khi đọc được những thông tin này, để biết được có chính xác hay không, CNLĐ phải có các căn cứ khác, từ nguồn khác; sau khi kiểm chứng chính xác thì mới nên biến thành suy nghĩ, thành phát ngôn của mình. Nếu tin không có kiểm chứng thì không nên chia sẻ, bình luận” - ông Sinh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn