MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng ca nhiều dịp cuối năm, công nhân tranh thủ thời gian ít ỏi để chuẩn bị bữa cơm có thịt cho gia đình. Ảnh: Minh Phương

Công nhân chấp nhận làm thêm giờ sau dịch

Minh Phương LDO | 27/12/2021 19:00
Những ngày cuối năm, nhiều công nhân tuy mệt nhưng vẫn vui vẻ vì được cùng doanh nghiệp tất bật sản xuất, kể cả làm thêm ngoài giờ để hoàn thành đơn hàng sau đợt dịch COVD- 19. Đây là cơ sở giúp công nhân gia tăng thu nhập, bù đắp khoảng thời gian bị giãn việc, ngưng việc trong năm do dịch bệnh.

Tiền lương tăng gấp đôi khi làm thêm cuối tuần

Những ngày này, thật khó để có buổi hẹn với chị Nguyễn Thị Thắm (34 tuổi, quê ở Bắc Giang) - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vì chị thường xuyên tăng ca. Bình thường, chị Thắm chỉ làm 8 tiếng/ngày, nhưng nay, nhiều hôm làm đến 12 tiếng/ngày.

Chị Thắm đã làm công nhân ở khu công nghiệp này được 8 năm. Năm 2021 - năm đầy khó khăn với chị và chồng, như cách nói vui của nữ công nhân này: Một năm “kinh tế buồn”.

Từ tháng 5.2021, chị Thắm bị giảm giờ làm, thu nhập từ 8,5 triệu đồng còn 6,5 triệu đồng. Tháng 8-9.2021, chị phải ngưng việc vì khu vực bị phong toả, chỉ được nhận 70% lương cơ bản trong 14 ngày đầu. Đến tháng 10, chị mới được đến công ty đi làm trở lại.

Quãng thời gian vất vả nhất cũng qua, hơn 1 tháng nay, công việc của chị Thắm có phần thuận lợi hơn khi được công ty tạo điều kiện cho tăng ca. Khuôn mặt chị Thắm tươi tắn vì ngoài tăng ca chị còn được đi làm vào ngày nghỉ để tăng thu nhập. Theo đó, mỗi ngày làm thêm vào chủ nhật, chị cũng kiếm thêm 500.000 - 600.000 đồng (tiền lương gấp đôi ngày thường).

Khi chúng tôi hỏi chị làm nhiều vậy lấy đâu thời gian nghỉ ngơi? Người phụ nữ 34 tuổi này gạt tay: “Một ngày chỉ cần ngủ 5-6 tiếng. Được đi làm là tinh thần phấn chấn hẳn, không còn thấy mệt mỏi nữa”. 

Làm cho một công ty chuyên về thiết bị vệ sinh cũng ở Khu công nghiệp Thăng Long, những ngày đông lạnh giá, anh Ma Văn Trung (40 tuổi, quê ở Tuyên Quang) tất bật với công việc đúc bồn cầu.

Thời điểm cuối năm, anh Trung được công ty tạo điều kiện làm cả ngày nghỉ, từ đó tiền công được trả gấp đôi (từ 300.000 lên 600.000 đồng). Cộng thêm làm tăng ca, mỗi tháng anh Trung kiếm được 12 triệu đồng.

Làm công nhân 10 năm, anh và vợ (cùng làm công nhân) phải chắt chiu lắm mới có khoản tiền dành dụm nho nhỏ sửa căn nhà ở quê. Hằng tháng, anh chị gửi 6 triệu đồng về quê cho ông bà nuôi 2 cậu con trai học lớp 11 và lớp 8.

Nhẩm tính về thu nhập hằng năm của gia đình, anh Trung cho biết, trung bình 1 tháng cả 2 vợ chồng gộp lại được 18 triệu đồng. Như vậy, 1 năm có khoảng 216 triệu đồng. Nhưng năm nay không thể có con số này vì tháng 8 và tháng 9 vừa qua, anh và vợ đều bị ngưng việc. Vì thế, những ngày làm thêm cuối năm sẽ là cơ hội để vợ chồng công nhân tận dụng thời gian để “cày cuốc”.

“Được đi làm là mừng”

Một tháng nay, chị Hồ Thị Ngọc (30 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) gần như không có ngày nghỉ vì tăng ca liên tục. Chị Ngọc là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long 3 năm nay, thời gian làm việc của chị Ngọc chia làm 2 ca: Từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối và ngược lại. Sau giờ làm, chị Ngọc ăn qua loa bánh mì, hộp xôi rồi vùi mình trong chăn để quên đi mệt mỏi.

“Thân cô thế cô” ở nơi xa lạ suốt năm tháng làm công nhân, chị Ngọc không có bạn bè thân thiết hay anh em họ hàng. Niềm vui duy nhất khi làm công nhân với chị là: “Được đi làm”.

Nửa đầu năm nay, nhóm công nhân của chị Ngọc làm việc cầm chừng khi công ty cắt giảm nhân công, chỉ giới hạn việc làm 6-8 tiếng. Lương không đủ sống, nhiều người chán nản đã phải nghỉ xin việc khác, riêng chị Ngọc chọn ở lại chờ ngày công ty phục hồi kinh doanh sản xuất.

Chị Ngọc chia sẻ, lương tháng cơ bản của chị ở mức 5,5 triệu đồng. Thời gian này được tăng ca 12 tiếng và không nghỉ ngày cuối tuần, thù lao sẽ khoảng từ 8-10 triệu đồng. Số tiền này, trừ đi 3 triệu đồng gửi về cho các con, chị cũng để dư ra được vài triệu đồng. “Cuối năm đơn hàng nhiều, công ty cho công nhân tăng ca vừa để kịp hàng xuất đi, vừa có thể nghỉ Tết sớm hơn. Làm nhiều sẽ mệt nhiều nhưng chúng tôi ai cũng phấn khởi vì trước đó đã phải nghỉ việc ở nhà một thời gian” - chị Ngọc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn