MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Linh cùng vợ trong căn phòng trọ của mình. Ảnh: Sơn Tùng

Công nhân chỉ lắc đầu và cười buồn khi được hỏi lúc nào mua nhà

Bảo Hân LDO | 03/05/2020 07:17
Lắc đầu kèm theo một nụ cười buồn - đó là phản ứng của nhiều công nhân nhà trọ, nhất là công nhân đã lập gia đình khi được hỏi: Khi nào mua nhà?

Thu nhập thấp, cố gắng lắm cũng chỉ đủ trang trải chi phí cho cuộc sống tha hương nên dễ hiểu vì sao công nhân nhà trọ không dám nghĩ đến một mái nhà riêng cho mình.

Chị Phan Thị Ngọc Quyên (quê Phú Thọ) đang thuê trọ cùng chồng và hai con tại thôn Nhuế (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Nếu so với mặt bằng chung ở nơi đây, phòng trọ của chị Quyên khá rộng rãi, sạch sẽ; trong nhà có khá đầy đủ các vật dụng gia đình, như tivi, tủ lạnh, máy giặt…

Chị Quyên làm công nhân đã 10 năm nay. Năm ngoái, chị đẻ đứa thứ 2. Sau thời gian nghỉ thai sản (tháng 12.2019), chị Quyên định đi làm tiếp, nhưng do con hay ốm yếu, hơn nữa, lại đẻ gần nhau, không có ai trông nên chị xin nghỉ tiếp rồi nghỉ hẳn từ 20.2 vừa qua. Nếu gửi cả hai con thì chi phí tính ra bằng cả tháng thu nhập của chị, nên chị quyết định nghỉ ở nhà trông con.

Hiện tại, nguồn thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào người chồng. Chồng chị làm thợ điện lạnh tự do, thu nhập không ổn định.

“Nếu việc đều, thì thời gian này, chồng tôi kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nắng nóng nhiều thì được, còn mưa nhiều thì không được như vậy, nên hai vợ chồng phải tự cân đối thôi”- chị Quyên cho hay.

Chị Phan Thị Ngọc Quyên cùng con trong căn phòng trọ tại thôn Nhuế (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quế Chi

Trước đây, khi chị còn đi làm (thu nhập được từ 5-7 triệu đồng), với thu nhập của cả hai người, vợ chồng chị và các con sống khá thoải mái, không đến mức vất vả, thậm chí có dư dả một chút.

“Nhưng từ lúc đẻ con ra thì hầu như không còn tích góp gì được nữa. Bao nhiêu thứ tiền phải chi khi các con ra đời: Tiền gửi con đi học; tiền bỉm, sữa… Đấy là chưa kể cháu hay ốm đau. Thời gian vừa rồi, tôi không đi làm, nên đành phải tiêu lẹm vào khoản dành dụm phòng những lúc ốm đau”- chị Quyên chia sẻ.

Để kiếm thêm thu nhập, chị Quyên đi bán hàng online (lá cây, rễ thuốc…) nhận từ người quen từ Hà Giang, nhưng do không có thời gian đi ship, lại không có vốn để “ôm” được hàng nên chị đành từ bỏ công việc này.

Những đồng tiền dành dụm trước đây cũng chỉ là để phòng những lúc ốm đau, còn nói về tiền dành để mua đất, mua nhà thì chị Quyên quả thực không dám nghĩ đến.

Cũng như chị Quyên, vợ chồng anh Nguyễn Văn Linh (công nhân kỹ thuật một công ty điện tử) cùng vợ chỉ biết...lắc đầu và cười khi hỏi khi nào mua nhà. 

Anh Linh cho hay, bình thường thu nhập của anh chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng; còn vợ anh, nếu có tăng ca, làm thêm thì được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vợ chồng anh đang có cô con gái gần 5 tuổi.

Với mức thu nhập trên, trong khi phải chi phí nhiều thứ như: tiền thuê nhà, tiền nuôi con, tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, rồi ốm đau bệnh tật... nên thu nhập của anh chị chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không dành dụm được đồng nào mặc dù đã đi làm công nhân nhiều năm. Đấy là chưa kể nhiều khoản chi không thể định trước, như tai nạn, ốm đau, bệnh tật.

Một dãy nhà trọ công nhân tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quế Chi

Để giảm bớt khó khăn, anh Linh phải xoay xở nghĩ cách làm thêm, trong đó có đi làm cộng tác viên bán rượu ngoại, nhưng thu nhập từ công việc này cũng chỉ là có thêm đồng ra đồng vào để mua thức ăn, chứ không phải là khoản mà anh chị có thể trông chờ vào. Vậy nên, như bao công nhân khác, anh chị vẫn chưa dám nghĩ đến ngôi nhà của riêng mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn