MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân chi tiêu dè sẻn khi đơn hàng lao dốc

Phương Ngân LDO | 14/08/2023 14:25

TP Hồ Chí Minh - Đơn hàng lao dốc từ cuối năm 2022, khiến hàng chục nghìn công nhân lao động mất việc. Số còn công việc cũng sống trong cảnh lo âu. Giờ đây, họ không biết làm gì khác ngoài việc chi tiêu dè sẻn để phòng lúc không may...

Trước làn sóng cắt giảm lao động, nhiều công nhân còn việc làm đang phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, liệu ngày mai họ có còn công việc?

Chị Thạch Thị Nương (50 tuổi, quê Trà Vinh) làm tại Công ty PouYuen được 16 năm. Trong những đợt cắt giảm trước, chị Nương không nằm trong danh sách. May mắn chưa bị cắt giảm, song nỗi lo vẫn luôn thường trực trên gương mặt chị, bởi nhiều tháng qua, đơn hàng vẫn không khá hơn.

"Cắt giảm nhiều đợt rồi nhưng tình hình sản xuất vẫn không khá hơn. Tôi lo rằng, không sớm thì muộn cũng tới lượt mình", chị Nương nói trong tiếng thở dài.

Tuy còn việc nhưng chị Nương luôn lo lắng nguy cơ sẽ có ngày mình mất việc. Ảnh: Phương Ngân

Sau 16 năm làm việc tại Công ty PouYuen, thu nhập mỗi tháng, chị Nương nhận được hơn 10 triệu đồng (nếu tăng ca đầy đủ). Hơn 1 tuần qua, chị phải nghỉ thêm 2 ngày thứ Sáu, thứ Bảy, thay vì chỉ nghỉ vào ngày Chủ nhật như thường lệ.

Chị Nương cho biết, những ngày nghỉ như thế, chị được trả 180 nghìn đồng/ngày. Mặc dù ngày nghỉ vẫn được chi trả lương nhưng thu nhập của chị cũng không được như trước.

Chia sẻ về tâm trạng khi nhìn thấy nhiều công nhân thất nghiệp, chị Nương thở dài: "Tình hình sản xuất khó khăn nếu có bị cắt giảm, mình vẫn phải chấp nhận. Dù không muốn nhưng mình cũng không thể làm khác được. Giờ chỉ biết gói ghém chi tiêu để nếu có bị mất việc cũng còn có ít tiền xoay xở".

Chị Nương kể, chồng chị làm thợ hồ thu nhập bấp bênh, đứa con gái lớn đã đi lấy chồng, còn đứa con trai nhỏ còn đang đi học, nên số tiền làm công nhân của chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Nếu bị mất việc sẽ khiến gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn.

Tìm đến phòng trọ của anh Mạch Phước Thiện (50 tuổi, quê Sóc Trăng) tại số 85 Trần Thanh Mại, quận Bình Tân. Mặc dù là ngày làm việc nhưng anh Thiện phải ở nhà do không có việc.

Anh Thiện chia sẻ, anh làm tài xế lái xe cho công trình xây dựng, mấy ngày qua, anh không có việc nên phải ở nhà. Thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 9 triệu đồng. Còn vợ anh làm công nhân tại Công ty PouYuen có thâm niên hơn 10 năm.

Hơn chục năm 2 vợ chồng lên TP Hồ Chí Minh làm việc, số tiền hàng tháng cũng vừa đủ chi tiêu. Những tháng ít việc, hai vợ chồng anh lại mua bó rau, con cá ăn qua ngày.

"Có nhiều mình ăn nhiều, có ít ăn ít...giờ lương ít thì bó rau cũng qua bữa", anh Thiện chia sẻ.

Hỏi về dự tính tương lai nếu một trong hai mất việc, anh Thiện cho biết, công ty anh tuy mấy nay ít việc nhưng lương vẫn trả đủ, công việc bị giảm chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết.

Những ngày ít việc, anh Thiện phải ở nhà. Ảnh: Phương Ngân

Lo nhất là công việc của vợ, anh Thiện bàn tính nếu vợ mất việc sẽ chuyển sang làm nghề mua bán để có đồng ra đồng vào.

"Tôi với vợ có tính nếu mất việc sẽ kiếm gì đó buôn bán chứ giờ lớn tuổi muốn vào công ty làm cũng rất khó", anh Thiện chia sẻ.

Với chị Nguyễn Thị My, công nhân Công ty PouYuen, từ khi giảm việc, bữa sáng của chị làm nắm cơm nguội còn dư hôm trước. Mỗi bữa cơm chỉ có trứng hay đậu hủ.

"Ăn như thế cho rẻ, 1 bữa ăn vài chục ngàn cho cả gia đình. Phải tiết kiệm như thế chứ không ăn xài phung phí như trước đây được", chị My nói.

Chị My dự tính, nếu mất việc, chị sẽ đi tìm công việc mới để có thu nhập lo cho đứa con sắp vào đại học.

"Những người bị cắt giảm trong đợt trước đa phần là người có thâm niên, tôi có thâm niên hơn 10 năm nên tôi chuẩn bị tinh thần trước. Sắp tới, nếu mất việc tôi sẽ đi tìm công việc mới, làm gì cũng được miễn sao có tiền lo cho con", chị My nói.

Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố ghi nhận gần 92.000 người lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp và đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung nhiều ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng,… Trong đó, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ cao 52,41% (30.923 người).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn