MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
13 năm làm công nhân chị Nhi chưa từng đi du lịch dịp nghỉ lễ, Tết. Ảnh: Hương Hạnh

Công nhân chuẩn bị kì nghỉ tiết kiệm

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/04/2023 13:37

13 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chị Năm chưa một lần tự thưởng cho bản thân hay gia đình một chuyến du lịch dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. 

Nghỉ lễ ở quê nhà

Trong căn trọ thuê tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chị Đặng Thị Năm (SN 1993, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vừa trở về từ nhà máy sau ca làm ban đêm. Nhiều năm làm công nhân tại khu công nghiệp này, lương cơ bản của chị là 6,5 triệu đồng/tháng, nếu thường xuyên tăng ca, mức thu nhập của chị cũng vào khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng.

Chị Năm nhớ lại, tốt nghiệp cấp 3, chị không học đại học mà lên Hà Nội xin làm công nhân. Năm 2011, mức lương chị nhận được chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng, trong khi tiền phòng trọ đã là 400.000 đồng/tháng. Để có tiền lương ở mức ổn như hiện nay, nữ công nhân đã phải kiên trì vượt qua khó khăn cùng công ty.

“Công ty tôi bắt đầu gặp khó, ít đơn hàng vào tháng 10.2022. Tôi và nhiều công nhân trong công ty phải nghỉ việc gần 2 tháng và hưởng 70% lương cơ bản. Vì là công nhân lâu năm nên tôi được nhận về khoảng 5 triệu đồng vào tháng bị cho nghỉ. Tôi trở về quê ở với các con gần 2 tháng mới quay lại Hà Nội đi làm” - chị Năm tâm sự.

Chồng chị Năm cũng là công nhân trong khu công nghiệp này, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Kết hôn năm 2014, đến nay vợ chồng chị đã có 2 con nhỏ, con lớn đã 8 tuổi, con nhỏ 4 tuổi.

Chị Năm cho biết, hiện nay công ty chị đang áp dụng chế độ 1 tuần đi làm 4 buổi, mỗi buổi 12 tiếng với công nhân. Do đó, được nghỉ 2 ngày cuối tuần, chị đều dành để về quê thăm các con.

Nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, chị và chồng sẽ sớm trở về quê bằng xe máy với gia đình, không đi du lịch.

“Mọi người thấy hai vợ chồng có thu nhập cao nhưng thực ra chúng tôi cũng phải chi tiêu nhiều khoản. Tiền nhà, điện nước gói gọn là 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu đi xe khách về quê mỗi lần tốn 400.000 đồng, chưa tính tiền ăn uống dọc đường… Bắt đầu từ năm ngoái là hai vợ chồng không tiết kiệm được đồng nào nên việc đi du lịch dịp nghỉ lễ là rất khó” - nữ công nhân nói.

Chưa nghĩ đến đi du lịch

Ra Hà Nội làm công nhân được 3 năm, tiền lương và tất cả các loại phụ cấp chị Đặng Thị Nhi (SN 2000, quê Thanh Hoá) chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng. Chỉ riêng tiền trọ, tiền điện nước, chị Nhi đã phải chi trả hơn 700.000 đồng/tháng.

Dù là công nhân trẻ, chỉ mới 23 tuổi, chị Nhi cũng chưa “dám” cho mình một chuyến đi du lịch ở xa. “Cùng lắm là cả nhà đi biển Sầm Sơn gần nhà trong một ngày rồi về. Tiền lương còn để chi tiêu nhiều thứ” - chị Nhi tâm sự.

Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay, chị Nhi được nghỉ 5 ngày, chị dự định trở về Thanh Hóa bằng xe máy vào sáng 29.4. Với cách di chuyển như vậy, chị sẽ đỡ tốn một khoản tiền xe khách, có thêm tiền mua quà về biếu bố mẹ. Trước đó, một người hàng xóm ở quê làm công nhân tại khu công nghiệp này giới thiệu chị Nhi đến làm công nhân. Sau đó, người hàng xóm này đã “nhảy” việc sang công ty khác vì lương thấp.

Năm nay, người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 5 ngày, từ thứ Bảy, ngày 29.4.2023 đến hết thứ Tư, ngày 3.5.2023. Trường hợp người lao động có chế độ nghỉ một ngày trong tuần thì kì nghỉ kéo dài liên tiếp 4 ngày.

Nếu có sự thỏa thuận, người lao động đồng ý đi làm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30.4 và 1.5 thì được xem là làm thêm giờ. Người lao động được trả lương ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả cho công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn