MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân có con đi học ở Đà Nẵng chật vật với giá điện tăng. Ảnh: Nguyễn Linh

Công nhân có con nhỏ ở Đà Nẵng loay hoay với giá điện tăng

Nguyễn Linh LDO | 15/05/2023 16:06

Việc điều chỉnh tăng giá điện ở mức 3% từ ngày 4.5 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến cho nhiều gia đình công nhân làm việc trên địa bàn TP Đà Nẵng phải dè xẻn, chắt bóp để chi tiêu cho hợp lý, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, con đang đi học.

Cố gắng chờ đến... mùa đông

Chị Trần Thị Hồng Sa (quê Quảng Bình) đã làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hơn 10 năm. Chị cố bám trụ lại khu công nghiệp sau thời gian công ty thiếu đơn hàng, cắt giảm nhân sự.

Dù vậy, từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng chị Sa vẫn phải ở trọ cuối đường Đặng Chiêm, gần với khu công nghiệp để tiện làm việc. Hiện gia đình chị có 4 người, hai vợ chồng và hai con trai còn nhỏ. “Mỗi tháng, thu nhập bình quân của hai vợ chồng không đủ trang trải cho cuộc sống của 4 người. Hai con còn nhỏ nên tiền sữa, tiền ăn uống, tiền nhà trẻ đã chiếm hết một nửa”, chị Trần Thị Hồng Sa bộc bạch.

Vì hai vợ chồng đi làm cả ngày nên chỉ khi đi làm về, buổi tối gia đình mới sử dụng điện từ khoảng 18h đến lúc đi ngủ.

Căn trọ nhỏ chỉ hơn 20 mét vuông với vỏn vẹn một quạt, một tủ lạnh và bóng đèn nhưng mỗi tháng, gia đình chị Hồng Sa sử dụng hết 100 số điện, tức phải trả hơn 300.000 đồng tiền điện. Nay khi nghe giá điện tăng, chị Sa nhẩm tính, tháng tới chắc cũng phải mất thêm 100.000 - 200.000 nghìn đồng tiền điện.

“Bình thường, tôi phải tiết kiệm, chắt bóp để đủ tiền sữa cho con, giờ giá điện tăng thì cũng đành chịu, cố gắng đến... mùa đông không dùng quạt nữa mới mong sẽ tiết kiệm được”, chị Sa chia sẻ.

Gia đình anh Trần Trung Chức, công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) cũng phải dè xẻn chi tiêu, dành tiền cho con đi học. Ảnh: Nguyễn Linh

Dù thế nào cũng phải lo cho con ăn học

Bình quân một gia đình công nhân làm việc trên địa bàn TP Đà Nẵng phải chi ra một nửa số tiền thu nhập hằng tháng để gửi con nhà trẻ, đi học. Đặc biệt là những gia đình có con lớn, việc học của con chiếm nhiều thời gian và thu nhập của các gia đình công nhân.

Hai vợ chồng chị Trần Thị Lợi (Quảng Nam) đã có một con gái năm nay học lớp 5 và chuẩn bị bước vào lớp 6. Suốt 5 năm liền, em là học sinh giỏi, nên chị Lợi tự hào, dù tốn kém bao nhiêu vẫn quyết đầu tư cho con học.

“Con tôi học nhiều mất nhiều tiền, nhất là học thêm. Một nửa lương của hai vợ chồng là dành cho việc học của con. Ráng cho đi học để sau kiếm được một công việc tốt hơn, không phải làm công nhân, đi sớm về khuya như chúng tôi”, chị Trần Thị Lợi nói.

Trước đây, gia đình chỉ có 3 người nên hầu như mọi sinh hoạt trong căn phòng trọ có phần đầy đủ tiện nghi và thoải mái. Nhưng khi nghe giá điện tăng lên 3%, chị Lợi cũng có phần lo lắng: “Chắc từ nay, chúng tôi chỉ dám mở máy lạnh buổi trưa để mong bớt nóng thôi, còn tối thì có thể dùng quạt. Ban ngày, phần mái của dãy trọ lợp bằng tôn nên rất nóng, không dùng máy lạnh thì không thở nổi”.

Những gia đình có 3 con trở lên, mọi chi phí hầu như đè nặng lên số tiền lương ít ỏi của công nhân. Mỗi tháng, gia đình chị Trần Thị Lan (quê Thuận An, Thừa Thiên - Huế) sử dụng hết 100-150 số điện với giá 3.000 đồng/kWh, tương đương 300.000 - 450.000 đồng tiền điện.

Với mức lương hiện tại, nếu không tăng ca, mỗi tháng chị Lan nhận được 4.200.000 đồng, nếu được tăng ca sẽ nhận được 6.300.000 đồng. Với gia đình có ba đứa con nhỏ đang học tại các trường tiểu học, mẫu giáo trên địa bàn TP Đà Nẵng, chị Lan thường xuyên phải vay mượn thêm mới đủ chi tiêu. Hiện chồng chị Lan phải nghỉ việc ở công ty, bắt đầu chạy xe ôm để phụ chị đưa đón ba con nhỏ.

Cuộc sống công nhân vốn đã vất vả, cơm áo gạo tiền “loay hoay” ở thành phố lớn khiến những người công nhân tại các công ty, xí nghiệp dường như “nghẹt thở”. Giá điện tăng khiến cho cuộc sống của những người công nhân càng thêm nặng gánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn