MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) tại một trường mẫu giáo tư thục. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân còn nhiều tâm tư

Nhóm PV LDO | 20/10/2020 09:48
Mong chờ chính sách phát triển giáo dục mầm non trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ sớm được triển khai, nhưng những người trực tiếp thụ hưởng chính sách cũng nêu nhiều tâm tư và băn khoăn về những điểm mới trong nghị định. Công nhân, người lao động kiến nghị cơ quan quản lý sớm có giải pháp để những chính sách nhân văn trong nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Công nhân khu chế xuất tâm tư

Từ gần tháng qua, khi biết đến Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có quy định về chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân (CN), người lao động (NLĐ) làm việc tại khu công nghiệp (KCN), chị Nguyễn Thị Thanh Thùy - CN Công ty TNHH Juki Việt Nam (chuyên sản xuất máy may trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM) - rất tâm tư.

Chị Thùy kể, chị có hai con, một cháu đang học lớp 5 và một cháu 4 tuổi học mẫu giáo. Trước khi có dịch COVID-19, thu nhập của chị được khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Do bị ảnh hưởng của dịch, có nhiều ngày chị phải nghỉ chờ việc, nên thu nhập cũng giảm chỉ còn gần 6 triệu đồng/tháng.

“Cùng là CN, nhưng không biết sao con CN ở KCN thì được hưởng hỗ trợ, còn con CN trong khu chế xuất (KCX) lại không được hỗ trợ. Điều này làm chúng tôi rất tủi thân, dù số tiền mỗi tháng các cháu được hỗ trợ tiền ăn trưa chỉ có 160.000 đồng. Chỉ mong sao Nhà nước điều chỉnh quy định để con CN làm ở trong KCX cũng được hưởng hỗ trợ” - chị Thùy nói.

Tương tự, chị Hồ Thị Nguyên - Công ty (Cty) FAPV chuyên sản xuất các bộ dây điện cho xe hơi, cũng ở KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM - có con 3 tuổi đang học mẫu giáo, cũng rất tâm tư: “Ở đâu cũng là CN, đi làm thuê, nhưng người được hỗ trợ, người không được”.

Ông Hoàng Xuân Thái - Chủ tịch CĐ Cty FAPV - cho biết, Cty có 7.500 lao động (LĐ), trong đó có 80% là LĐ nữ, nên rất nhiều người có con đang gửi trong nhà trẻ, trường mầm non. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 105/2020 NĐ-CP, nếu thực hiện đúng như quy định, chắc chắn con CN làm trong các KCX sẽ không được hưởng hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Phước Đại - Cty TNHH Juki Việt Nam - phân tích thêm, các quy định tại Nghị định 105/2020/NĐCP chỉ nhắc đến như “Cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN” hay “Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con CN, NLĐ làm việc tại KCN”… chứ không nhắc đến KCX. Trong khi đó, KCX và KCN đều có đông CNLĐ. Nếu bây giờ, các cơ quan chức năng cấp dưới như bộ, ngành hay địa phương “cứng nhắc” thực hiện theo đúng quy định, thì tất cả con CN đang làm ở trong các KCX sẽ không được hưởng hỗ trợ từ nhà nước, dù đều là CN như nhau.

Cần linh động để công bằng với tất cả công nhân

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp (29 khu và 12 cụm công nghiệp) với 1,2 triệu LĐ. Những ngày qua, nhiều CN và giáo viên rất vui mừng khi nghị định về chính sách phát triển giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, phụ huynh và giáo viên còn băn khoăn về một số quy định trong nghị định.

Chị Nguyễn Thị Giang (30 tuổi) - làm việc ở Cụm công nghiệp (CCN) An Thạnh, TP.Thuận An, Bình Dương - chia sẻ: “Nếu như cháu được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng thì sẽ có thêm tiền để mua sữa, đỡ được một phần trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là tôi làm trong CCN và một số CN khác cùng dãy trọ lại làm việc trong Cty nằm ngoài KCN không biết có được hỗ trợ không? Tôi nghĩ đã là CN, làm ở trong KCN hay bên ngoài, thì đều có chung hoàn cảnh như nhau, khó khăn nhất là những lao động nhập cư đi ở trọ như chúng tôi”.

Cùng nội dung này, bà Trịnh Thị Nhiệm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng II (phường An Phú, TP.Thuận An, Bình Dương) - cho hay, trường có tới 70% học sinh là con CN. Tuy nhiên, không phải tất cả CN đều làm việc tại KCN. Nhiều phụ huynh làm việc tại các nhà máy ở ngoài KCN tập trung.

“Tôi nghĩ nên linh động trong câu từ của nghị định. Chỉ cần trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là CN, NLĐ đang làm việc có ký hợp đồng lao động theo quy định thì sẽ được hỗ trợ. Như vậy sẽ không có tính phân biệt và công bằng hơn với tất cả CN”.

Theo ghi nhận, tại Bình Dương, đa số trường mầm non đều nằm ngoài KCN. Tỉnh này cũng còn nhiều nhà máy nằm ngoài KCN và thường xen kẽ trong các khu dân cư. Các Cty có từ 5.000-10.000 CN nằm ngoài KCN.

Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh: Cần chính sách tốt để giữ chân NLĐ

Nghị định này mang lại nhiều lợi ích cho công nhân lao động (CNLĐ) trong KCN cũng như con em của họ. Thực tế, một trong những nội dung mà CN có ý kiến rất nhiều là liên quan đến chính sách hỗ trợ cho con em của họ, bởi vì đại đa số CN làm việc trong KCN đều còn trẻ, nhiều người có con nhỏ.

Lực lượng lao động trẻ trong các KCN là những người được đào tạo, có tay nghề, thuần thục công việc. Nếu không có chính sách tốt cho họ để giữ chân thì sẽ bị mất đi lao động lành nghề. Vì vậy, bên cạnh cần có cơ sở vật chất để phục vụ cho việc gửi con của CNLĐ thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho họ và con cái để họ an cư lạc nghiệp.

Tuy vậy, có một thực tế là có những nhóm trẻ tư thục trong các KCN chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định của các văn bản. Mà nếu như vậy thì các cơ sở này có thể không được hỗ trợ theo như quy định của Nghị định 105. Nếu các nhóm trẻ này không được hỗ trợ, con em CNLĐ cũng sẽ thiệt thòi.

Bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam: Quan tâm đến trẻ mầm non là chăm lo cho tương lai đất nước

Cuộc sống của CN còn rất nhiều khó khăn, nên họ luôn mong ngóng các chính sách hỗ trợ cho họ cũng như con em của họ sớm có hiệu lực, trong đó có Nghị định 105 này.

Quan tâm đến trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống đối với những mầm non tương lai của đất nước, thể hiện sự nhân văn trong chính sách. Tuy nhiên, theo tôi, trong thực thi chính sách mới này, cần phải rõ phân cấp, trách nhiệm các đầu mối UBND các tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành liên quan để chính sách sớm đi vào cuộc sống. Vì thực tế, đôi khi các thủ tục rườm rà, đánh đố, làm khó, dẫn đến CNLĐ vốn không có thời gian, phải đi lại năm lần bảy lượt nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu, đành bỏ cuộc.

Ngoài ra, theo tôi, đối tượng của chính sách nên là con CNLĐ nói chung chứ không nên chỉ riêng có con CNLĐ trong KCN, vì con CNLĐ ở nơi khác, ví dụ như trong cụm công nghiệp cũng cần được hỗ trợ. Quế Chi (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn