MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân đi chợ 50.000 đồng/ngày cho 2 người

Phong Linh LDO | 12/05/2024 10:12

Thắt chặt chi tiêu từ việc đi chợ cóc, chợ tạm gần khu công nghiệp của công nhân vốn không phải là chuyện mới và lý do khiến họ phải chấp nhận rủi ro sức khỏe vẫn là mức lương.

Bên cạnh trọ giá rẻ, ở tạm ổn, một trong những nguyên nhân khiến vợ chồng anh Hồ Văn Thêm (54 tuổi, Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ) quyết định thuê trọ trên đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là vì gần chợ cóc, bán đủ các loại thực phẩm để chuẩn bị cho bữa ăn. Anh Thêm cho biết, do đặc thù công việc vợ chồng làm ca đêm, bắt đầu từ 22h-6h, ảnh hưởng không nhỏ đến đến giờ giấc sinh hoạt nên chỉ cần sáng tranh thủ mua ít rau, cá là có thể về để nghỉ ngơi, không cần đi đâu xa.

"Có chợ cóc gần trọ gần rất tiện, trên đường đi làm về mua luôn nên đỡ tốn tiền xăng. Giá cả thực phẩm ở đây cũng bình dân, tầm 60.000 đồng/ngày cho 2 người là đã đủ" - anh Thêm nói.

Vợ chồng anh Thêm chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Ảnh: Phong Linh

Nam công nhân chia sẻ thêm, do công ty đang gặp khó khăn nên tạm thời các khoản trợ cấp, thưởng chưa có nhiều, chủ yếu anh chỉ lĩnh được tiền lương cơ bản với mức trung bình từ 4.500.000 - 4.800.000 đồng/tháng. Như vậy, đánh đổi làm ca đêm vất vả nhưng 1 tháng công lao động của cả vợ chồng chưa đến đến 10.000.000 triệu đồng. Song, các khoản chi lại rất nhiều như tiền trọ, đi lại, tiền ăn, tiền gửi về cho gia đình ở Hậu Giang,... khiến anh chị phải tính toán tiết kiệm từng chút.

"Chúng tôi không ăn sáng, chủ yếu đi làm về là ngủ một giấc để lấy lại sức, sau đó dậy nấu cơm trưa. Bữa ăn về cơ bản sẽ có 1 món canh/luộc và 1 món kho. Buổi chiều mình cũng ăn lại đồ ăn còn thừa buổi trưa. Nói chung dù biết thiếu chất nhưng mình buộc phải chấp nhận, không có sự lựa chọn nào khác vì mình không có đủ tiền" - anh Thêm than thở.

Bữa cơm đơn giản có cá kho, rau luộc của vợ chồng anh Thêm. Ảnh: Phong Linh

Tương tự như vợ chồng anh Thêm, vợ chồng chị Đặng Thu Hà (38 tuổi) - công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ - cũng chi cho bữa ăn khoảng 50.000 đồng/ngày. Gạo, thực phẩm tươi sống đến gia vị... tất cả đều được mua ở khu vực chợ tự phát gần khu công nghiệp.

"Chiều tan ca, đi làm về là có thể ghé ngang chợ cóc để mua. Hôm nào nhỉnh một chút thì mình mua 40.000 đồng thịt về kho tiêu, 15.000 - 20.000 đồng rau để luộc. Cũng có khi cuối tháng chưa lãnh lương, chỉ mua 4 quả trứng về luộc với cơm, dầm nước mắm ăn là xong ngày" - chị Hà kể.

Khi được hỏi tiêu thụ liên tục những bữa ăn tiết kiệm có gây thiếu chất, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nữ công nhân ngành may cười đáp: "Đi làm về mệt rã rời lại ăn ít thịt nên có lần lên công ty, tôi cũng bị bủn rủn tay chân. Những lúc như thế, chồng cũng mua đồ về hầm canh, tẩm bổ được ít hôm nhưng rồi kết quả đâu lại vào đấy. Tôi chấp nhận rủi ro sức khỏe của bản thân không phải vì lơ là mà là vì cố gắng từng ngày một, tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy để sau này có được cuộc sống tốt hơn".

Vợ chồng chị Ngát chấp nhận ăn uống tiết kiệm để mang lại bữa ăn dinh dưỡng và đầy đủ, hợp sở thích với 2 con. Ảnh: Phong Linh

Còn gia đình chị Đỗ Thị Ngát - công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Ngọc Diệp (TP Cần Thơ) - có 4 người nhưng bữa ăn cũng chỉ gói ghém trong khoảng 100.000 đồng. Hôm nào cho 2 con ăn các món như gà rán, hambuger, pizza thì cũng đồng nghĩa với việc vợ chồng chị phải tự giảm bớt tiền ăn cho chính mình.

"Trẻ con thích thức ăn nhanh lắm nhưng chúng tôi lại không dám mua ngoài đường cho con vì sợ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu chỉ mua ở cửa hàng. Mình ăn tệ một chút cũng không sao, đau bụng, nhức đầu cũng không sao, quan trọng là có thể đánh đổi cho các con được bữa ăn no đủ" - chị Ngát tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn