MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân đi rửa xe thuê để kiếm thêm thu nhập.

Công nhân đi rửa xe thuê, phụ quán cafe, bán hàng online kiếm thêm thu nhập

HOÀNG LỘC LDO | 17/12/2023 12:30

Theo chia sẻ của nhiều công nhân, thời gian qua, các công ty khó khăn, công nhân không được tăng ca. Thêm vào đó, đồng lương eo hẹp, không đủ để chi cho các khoản sinh hoạt khi giá cả các mặt hàng đã tăng. Chính vì thế, nhiều công nhân phải căng mình làm thêm để có thêm thu nhập.

Làm thêm đủ việc để có tiền

Như ông Ngô Thành Đạt là công nhân cho một công ty sản xuất các mặt hàng điện tử tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ông và vợ làm chung công ty, có mức thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/tháng nếu có tăng ca.

Theo ông Đạt, tiền trọ cũng tăng từ 550.000 lên 650.000 đồng từ đầu năm 2023, tuy không lớn nhưng với những người làm công nhân như ông là thêm một gánh nặng. Con trai học mẫu giáo nên mỗi tháng tốn thêm khoảng 2 triệu đồng.

“Tất cả phí sinh hoạt tháng nào cũng thiếu hoặc tiết kiệm tối đa thì vừa đủ. Nên từ cuối năm 2022, sau khi tan ca làm tại công ty, tôi có đi rửa xe thuê. Mỗi ngày từ 17h30 đến 21h nhận được từ 50.000 – 100.000 đồng (tùy theo lượng khách rửa xe)”, ông Đạt cho biết thêm.

Công nhân làm thêm nhiều việc để có thu nhập đủ sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Hoàng Lộc

Cũng chung số phận ở trọ, bà mẹ đơn thân Lê Kim Hoa là công nhân may quần áo cho biết, tiền lương công nhân thấp, thời gian qua, công ty không có hàng để tăng ca. Do đó, nhiều công nhân nghỉ việc hoặc đi làm thêm như bà.

Theo bà Hoa, tiền lương thấp nhưng giá các mặt hàng đã tăng nhiều như: 1 bó rau muống ngày trước chỉ 3.000 đồng, từ đầu năm 2023 đến nay là 5.000 đồng. Cùng một loại gạo, nhưng trước đây chỉ 12.000 đồng/kg còn hiện nay là 18.000 đồng/kg.

Bà Hoa đã xin làm tiếp viên quán cà phê từ 18h - 22h và ngày thứ 7, chủ nhật, mỗi tháng cũng được khoảng 2 triệu đồng. Số tiền này ngoài lo cho cha già bệnh tai biến, bà phải lo cho con gái vừa vào lớp 1.

“Công nhân vất vả quen rồi! Giờ vất vả thêm tí nữa cũng không sao. Miễn là có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, bà Hoa cho biết thêm.

Chị Nguyễn Quỳnh Hương (sinh năm 1997) cũng làm công nhân may ở TP Vĩnh Long cho biết: “Mức lương thấp chưa đến 5 triệu đồng/tháng nên tôi có kinh doanh thêm các loại mỹ phẩm trên mạng xã hội để có thêm từ 2 – 3 triệu đồng mỗi tháng”.

Chỉ đạo Công đoàn cơ sở chăm lo người lao động

Trao đổi với Lao Động, ông Võ Tấn Khải - Chủ tịch Công đoàn các khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long thông tin, toàn tỉnh hiện có trên 41.000 đoàn viên công đoàn trong số trên 46.000 công nhân lao động.

Nhiều lao động, thu nhập thấp, tiết kiệm từ những bữa cơm hàng ngày. Ảnh: Hoàng Lộc

Từ đầu năm 2023, Công đoàn các Khu Công nghiệp đã lập danh sách hơn 1.000 đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, gửi đến LĐLĐ tỉnh, hỗ trợ với tổng số tiền là trên 2 tỉ đồng từ nguồn kinh phí công đoàn.

Theo ông Khải, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao..., điều này càng khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp.

Mức thu nhập hiện nay của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là 5,5 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên nhiều mặt hàng phục vụ đời sống tăng giá, khiến cho người lao động thắt chặt chi tiêu.

“Ngoài các khoản tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng từ công ty hỗ trợ. Công đoàn các Khu công nghiệp sử dụng kinh phí công đoàn cho phép, chỉ đạo các CĐCS cũng hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn vào dịp cuối năm như: tiền vé xe, trao quà tết… vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”, ông Khải thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn