MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) tăng ca để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.Ảnh: D.H

“Công nhân đi xin việc đều hỏi, công ty có tăng ca không?”

Đinh Văn LDO | 25/03/2022 09:59
Trong bối cảnh “bão giá” khiến chi phí cuộc sống tăng cao, nhiều công nhân mong muốn tăng ca để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Doanh nghiệp cũng cho rằng cần ‘’nới’’ trần quy định giờ làm thêm tối đa để có thể bù đắp những tháng nghỉ dịch và thúc đẩy sản xuất phục hồi kinh tế. Tăng ca là phù hợp cho cả công nhân và doanh nghiệp.

Bình Dương có trên 30 cụm và khu công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động đang sinh sống và làm việc. Đáng chú ý, đa số lao động ở Bình Dương đều là người nhập cư, phải đi ở trọ, đời sống còn khó khăn. Hiện nay mức thu nhập trung bình ở địa phương tại Bình Dương nếu làm việc 8 giờ/ngày từ 5,6 triệu - 7,5 triệu đồng/tháng. Nếu không có thu nhập thêm từ tăng ca thì người lao động xa quê chỉ đủ đóng tiền trọ, tiền ăn và sinh hoạt, không có tiền tiết kiệm.

Trở lại tìm việc làm sau Tết, vợ chồng anh Nguyễn Đức Tâm (27 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm kiểm phẩm trong công ty điện tử, sau đó dịch bệnh phải nghỉ việc về quê. Hai vợ chồng trở lại Bình Dương mong tìm được doanh nghiệp có việc làm ổn định, có tổ chức cho công nhân tăng ca, thu nhập từ 9-12 triệu đồng mỗi tháng” - anh Tâm chia sẻ.

Anh Lê Minh Trung (41 tuổi, quê Kiên Giang) chia sẻ, đã làm việc ở Bình Dương 9 năm trong lĩnh vực may mặc. Trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, anh bị mất việc làm. Sau Tết, anh Trung trở lại thị xã Bến Cát tìm việc. “Hiện mức lương cơ bản ở các địa phương của Bình Dương gần như ngang ngang nhau và công nhân không thể đủ chi tiêu bằng tiền lương cơ bản. Chỉ mong tìm được công ty có nhiều việc để có thể tăng ca, thu nhập tốt hơn nuôi gia đình” - anh Trung chia sẻ.

Thị xã Tân Uyên, Bình Dương là địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển lao động. Một doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên cho biết, vừa qua đã tuyển được 200 lao động phổ thông. Lương cơ bản 4,8 triệu đồng/tháng, phụ cấp 1,2 triệu đồng. “Công nhân nào đi tìm việc đều hỏi có tăng ca không? Thực tế, nếu tăng ca đều, mỗi tháng công nhân có tổng thu nhập từ 9-13 triệu đồng. Phải có thu nhập này thì công nhân mới đủ trang trải cuộc sống và có dư một ít để tiết kiệm” - nữ cán bộ nhân sự công ty gỗ này cho biết.

Ông Dương Quang Hiệp - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông cho biết, sau Tết 2 nhà máy của công ty đã tuyển thêm được khoảng 1.000 lao động. Nói về việc nói mức trần giờ tăng ca, ông Hiệp chia sẻ: “Hiện cũng chỉ tổ chức tăng ca theo quy định và mỗi tuần tổ chức cho công nhân về sớm 2 ngày là thứ 4 và thứ 7. Riêng chủ nhật thì làm 2 ngày mỗi tháng. Về chế độ khi tăng ca, công nhân được gấp rưỡi tiền lương và được ăn thêm bữa cơm chiều. Công ty cũng cố gắng tổ chức cho công nhân làm việc ở một mức độ vừa phải để công nhân tái tạo sức lao động” - ông Hiệp cho biết.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương - cho biết, việc tăng giờ làm thêm là nhu cầu cả ở phía doanh nghiệp và người lao động. “Trước đây lao động thủ công là chính nhưng nay ngành gỗ đã cải tiến kỹ thuật rất nhiều, ít sử dụng sức lao động của con người. Do đó, công việc nặng nhọc đã không còn nhiều. Có thể xem xét nới giờ tăng ca tối đa trong tháng để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất. Thực tế, hiện nay công nhân đi tìm việc đều hỏi có tăng ca không, nếu trả lời không thì họ đều rút hồ sơ lại” - ông Liêm bày tỏ.

Hỗ trợ thêm 22.000 đồng cho mỗi ngày tăng ca

Trong bối cảnh dịch bệnh, “bão giá”, một công ty giày gia ở thành phố Thuận An có trên 7.000 công nhân đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động từ tháng 1.2022. “Công đoàn đề xuất và được công ty đồng ý thực hiện phương án: nếu tăng ca 3 giờ/ngày thì công ty hỗ trợ 22.000 đồng, tăng ca 1,5 giờ thì sẽ hỗ trợ thêm 12.000 đồng, đây là tiền hỗ trợ ngoài lương giờ làm thêm và bữa ăn ca. Việc này nhằm chia sẻ hỗ trợ công nhân trong bối cảnh dịch bệnh, bão giá đời sống công nhân khó khăn” - Chủ tịch CĐCS một công ty giày da cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn