MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng không cần thế chấp được dán chi chít trên bờ tường ở Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Công nhân đối mặt rủi ro khi vay tín dụng đen

QUÁCH DU LDO | 20/03/2024 13:00

Vì cuộc sống khó khăn nên nhiều công nhân chấp nhận vay tiền qua phần mềm (app), với lý do thủ tục đơn giản, chỉ cần chụp căn cước công dân, bằng lái xe… và cung cấp thông tin người thân là có thể vay tiền. Thế nhưng, điều không ngờ tới là số tiền vay được tính với lãi suất cắt cổ, khiến nhiều người vay phải loay hoay, “còng lưng” trả nợ...

Biến tướng “tín dụng đen

Kể về chuyện vay tiền qua app, anh Nguyễn Toán (40 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa) cho biết, anh và bạn bè đã nhiều lần vay tiền qua app. Thậm chí một số trường hợp còn chật vật, khốn đốn khi vay tiền với hình thức này.

“Chúng tôi vay tiền qua app, thủ tục rất nhanh và không cần thế chấp, chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân hoặc bằng lái xe, cung cấp số điện thoại vài người thân, đường link facabook là có thể vay vài triệu đồng nhanh chóng. Việc vay tiền cũng diễn ra trong thời gian rất ngắn, từ khi vay đến khi trả chỉ vẻn vẹn trong khoảng 10 ngày đến nửa tháng” - anh Toán chia sẻ.

Cũng theo anh Toán không chỉ anh mà nhiều công nhân khác ban đầu vay cứ ngỡ là đơn giản, vì chỉ vay vài triệu đồng thì số tiền lãi đến khi phải trả không quá lớn, thế nhưng mọi chuyện không như anh hình dung.

Ban đầu vay 1 triệu đồng, sau khoảng 10 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi là 1,2 triệu đồng. Sau khi trả lần 1 đúng hẹn, app sẽ cho vay lần 2 tăng lên 2 triệu đồng, trả 2,4 triệu đồng. Lần 3, vay 5 triệu đồng trả 6 triệu đồng… cứ như vậy, tiền vay tăng lên đến con số hàng chục triệu đồng, tiền lãi cũng tăng theo... Theo ghi nhận, quanh các khu công nghiệp như Lễ Môn, Hoàng Long (TP Thanh Hóa), đầy rẫy banner, biển hiệu quảng cáo cho vay tín chấp được dán chi chít trên các bờ tường quanh khu công nghiệp.

Sống trong sợ hãi

“Có nhiều trường hợp do cần gấp mà không lo được tiền đã vay nhiều app cùng một lúc, với tổng số tiền cộng lại rất lớn, kèm theo tiền lãi nhiều dẫn đến mất khả năng thanh toán, phải sống trong lo âu, sợ hãi” - anh Toán cho hay.

Theo anh Toán, nếu người vay mất khả năng thanh toán, bên cho vay sẽ cho nhân viên ngày đêm “khủng bố” gọi điện thoại, tin nhắn đến người vay và người thân của họ. Thậm chí, rất nhiều trường hợp bị đăng tải hình ảnh, giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, gây áp lực trả nợ... Cuộc sống người vay “quay cuồng” trong lo sợ. Tương tự trường hợp anh Toán, anh Bảo Vinh (40 tuổi, một công nhân xây dựng ở TP Thanh Hóa) cho biết, nhắc đến vay tiền qua app, anh vẫn không khỏi rùng mình.

“Ban đầu tôi chỉ vay với số tiền 1 triệu đồng để chi tiêu cá nhân, sau 10 ngày đến kỳ trả nợ nhưng chưa có, họ liên tục khủng bố tin nhắn, điện thoại.

Ngoài ra, app cho vay còn tính tiền phạt (do chậm trả) với số tiền gần 10 triệu đồng...”- anh V nhớ lại.

Theo đại diện LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, tình trạng cho vay tín chấp, “tín dụng đen” diễn ra khá phức tạp, đối tượng vay cũng rất đa dạng, trong đó có công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Nắm bắt được thực trạng trên, Công đoàn Thanh Hóa đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chỉ tham gia vay tín dụng đối với các tổ chức tín dụng uy tín, tránh “mắc bẫy” các khoản vay “tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, nhiều công nhân, người lao động gặp khó khăn về tài chính nhưng khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng nên thường tìm đến tín dụng đen.

Trước thực trạng này, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với một số đối tác như Sacombank Thanh Hóa, Quỹ tiêu dùng Thanh Hóa cung cấp giải pháp tài chính phù hợp, thuận lợi giúp người lao động giải quyết các khó khăn tài chính ngắn hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn