MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không thể gánh nổi chi phí học trường tư, bố mẹ công nhân phải gửi con về quê để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Minh Hương

Công nhân gửi con về quê vì khó xin vào trường công lập

Minh Hương LDO | 30/08/2022 08:31
Khó xin vào trường công lập, không thể gánh chi phí khi con học trường tư thục, nhiều bố mẹ công nhân phải gửi con về quê, chấp nhận cuộc sống xa con.

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 của Hà Nội, để đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn thành phố, học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc có giấy xác nhận xác nhận nơi thường trú tại Hà Nội do Công an cấp.  

Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho học sinh một số trường hợp đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho phép những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú... được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện:

Nguyện vọng (NV) 1 và NV2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, NV còn lại (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp con công nhân vì bố mẹ không có hộ khẩu thường trú Hà Nội, đành phải để con về quê học trường công lập.

Vì lương của công nhân chỉ đảm bảo ở mức sống tối thiểu. Nếu cho con học trường tư thục, đồng luơng của công nhân càng thêm teo tóp.

Chị Nguyễn Thị Loan (39 tuổi, quê Nghệ An) có hơn 10 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Chị Loan có 2 người con, một cháu năm nay lên lớp 10, cháu còn lại lên lớp 6. 

Vợ chồng chị Loan làm công nhân lâu năm, thuê trọ gần khu công nghiệp. Năm nay, cậu con trai đầu lên lớp 10, vì không có hộ khẩu thường trú, thủ tục xin vào các trường công lập THPT trên địa bàn khó khăn, chị Loan đành phải cho con về quê.

"Tôi phải để con tạm xa em và bố mẹ. Nếu học trường tư thục, một tháng học phí của con sẽ bằng với tháng lương cơ bản của tôi. Nuôi 2 con ăn học, thu nhập của vợ chồng công nhân không thể gánh nổi"  - chị Loan cho hay.

Cùng nỗi trăn trở, anh Phạm Văn Đông - công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Hà Nội) - cho biết, 2 người con của anh đều được học cấp 1, cấp 2 trường công lập. Nhưng cháu đầu khi thi lên cấp 3 phải xin về quê học tập vì bố mẹ chỉ đăng ký tạm trú ở Hà Nội.

Nếu để con học trường dân lập thì mức phí khá cao so với lương công nhân, dù không muốn, anh Đông vẫn phải để con về quê. Biết rằng ở quê sẽ có nhiều thiếu thốn, chất lượng dạy và học còn chênh lệch so với thành phố, song nam công nhân cũng không còn cách nào khả dĩ hơn.

Còn trường hợp của chị Trần Thị Thu Minh - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long - lại khác. Chị Minh cho hay, nhiều trường mầm non công lập ở trên địa bàn sinh sống có điều kiện tốt, trống chỗ nhưng chị không thể gửi con.

Lý do vì trường công đón và trả trẻ lúc 8 giờ - 16h30 phút. Thời gian này, rất khó để công nhân làm ca như chị xoay sở đón con. Chị Minh phải xin cho con gái 3 tuổi vào học trường tư thục cách nơi trọ 3km với mức học phí 1,3 triệu đồng/tháng để tiện đón, đưa.

Khi 2 con đang độ tuổi đến trường và đều phải học trường tư thục, với tổng tiền lương nhận về của vợ chồng công nhân 17 triệu đồng/tháng, chị Minh dù không muốn cũng phải gửi con gái 5 tuổi về quê học trường làng, còn đứa nhỏ 3 tuổi thì ở lại với bố mẹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn