MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Được gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng là mong ước của nhiều công nhân. Ảnh minh họa: Lương Hạnh

Công nhân gửi tới Thủ tướng mong ước về tiền lương, chăm sóc sức khoẻ

LƯƠNG HẠNH LDO | 11/06/2022 15:52
Lần gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng tới đây, nhiều công nhân bày tỏ hy vọng, mong ước được quan tâm về chính sách tiền lương, chăm sóc sức khỏe. 

Sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động (CNLĐ), nhiều chính sách, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của CNLĐ đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành những cơ chế, chính sách, giúp CNLĐ đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc…

Do đó, lần đối thoại với Thủ tướng dự kiến diễn ra vào ngày mai 12.6, nhiều công nhân chưa từng được tham gia rất háo hức, hy vọng sẽ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Thủ tướng.

Chị Nguyễn Thị Thương (SN 2001, quê Ba Vì, Hà Nội) làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ) được hơn 1 năm. Trước đó, để phụ giúp gia đình, chị Thương chọn đi làm thay vì đi học. Nơi nữ công nhân này tìm đến đầu tiên là Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Sau đó, chị đã xin làm công nhân thời vụ được 3 tháng thì được chị gái giới thiệu vào làm cùng công ty tại KCN Thụy Vân. Tại đây, chị Thương nhận được mức lương cơ bản là 4,2 triệu đồng/tháng. Nếu tính các loại phụ cấp, chị nhận được 4,6 triệu đồng/tháng. 

Trao đổi với PV, giọng nữ công nhân trẻ không giấu nổi vui mừng sau khi biết được sắp diễn ra cuộc đối thoại với Thủ tướng. "Vì mới làm công nhân được hơn 1 năm. Tôi chưa có cơ hội tham gia đối thoại với Thủ tướng lần nào. Điều công nhân như chúng tôi mong muốn lớn nhất là được tăng lương. Ngoài ra, với những chính sách nhận hỗ trợ thuê nhà ở, tôi cũng chưa được nhận. Nếu được các vị lãnh đạo lắng nghe tâm tư của chúng tôi thì không còn gì mừng hơn". 

Chị Thương là con gái thứ 3 trong gia đình 4 chị em, 2 chị gái đầu đã có gia đình riêng, còn em trai út của chị sinh năm 2007. Không chỉ vậy, mẹ chị Thương mắc căn bệnh hiểm nghèo, không thể đi làm. Với mức lương 4,6 triệu đồng/tháng, chị Thương đã phải tằn tiện để vừa chi tiêu cá nhân, vừa gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ nuôi em trai. 

Còn đối với chị Trần Thị Quỳnh Oanh (SN 1987) rời quê Tuyên Quang xuống Khu công nghiệp Thăng Long xin đi làm công nhân. Dịch bệnh bùng phát, phải chờ đợi mãi chị Oanh mới bắt đầu được đi làm từ tháng 12.2021. Qua kỳ nghỉ Tết, vợ chồng, con cái xuống Hà Nội tiếp tục mưu sinh thì lại mắc COVID-19 trong thời gian dài. 

Chị Oanh hy vọng sẽ được quan tâm về vấn đề sức khỏe của bản thân và gia đình để có thể yên tâm làm việc. Ảnh: Minh Hương

Điều khiến chị Oanh luôn lo lắng là hiện tại con út của chị mắc căn bệnh nhược sắc hồng cầu. Chị Oanh chia sẻ, hồi mới sinh, cháu không tiếp nhận thức uống gì ngoài sữa mẹ. Hiện tại, việc chăm cháu cũng hết sức vất vả với vợ chồng chị. Cháu chủ yếu uống sữa ngoài, không chịu ăn cơm.

Khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng tới đây khi đối thoại với Thủ tướng, chị Oanh tha thiết công nhân và con cái của họ được quan tâm về vấn đề sức khỏe.

"Hiện tại, con gái tôi mắc bệnh nhưng Bảo hiểm y tế chỉ chi trả những căn bệnh nằm trong danh mục được chi trả. Bên cạnh đó, cháu thường xuyên phải khám và chữa ở các bệnh viện lớn như Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Toàn bộ chi phi thuốc men, khám chữa chúng tôi phải tự chi trả. Khó khăn mà không thể kêu ai" - nữ công nhân ngậm ngùi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn