MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện CĐCS Cty RK Resources tặng quà cho gia đình chị Đến.

Công nhân hướng về vùng lũ

Lê An Nhiên LDO | 12/11/2017 18:00
Những công nhân lao động (CNLĐ) rời quê hương vào miền Nam làm việc, ngoài lo cho cuộc sống của bản thân, bản thân mỗi người còn gánh trên vai trách nhiệm với gia đình.

Đặc biệt, mỗi khi bão đến, lũ dâng, CNLĐ dù ăn chưa no, ngủ chưa ấm, vẫn tằn tiện gom góp tiền gửi về quê, hướng về vùng lũ. 

Về tận nhà, trao quà tận tay gia đình công nhân

Chị Đến có quê ở Thanh Hóa. Chị vào Bình Dương làm CN tại Cty RK Resources (KCN Bàu Bàng, Bình Dương) đã hơn 10 năm. Mỗi năm, dù tích góp được ít hay nhiều, chị đều dành dụm gửi về phụ mẹ già.

Mẹ chị Đến năm nay 86 tuổi, cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi thì mỗi ngày vẫn gồng gánh trên vai một người con trai và hai đứa cháu. Con trai của bà vốn là lao động tự do, một lần đi làm bị tai nạn lao động dẫn đến liệt hai chân, phải ngồi xe lăn. Hai đứa con của anh đang tuổi ăn tuổi lớn cũng nhờ mẹ già trông hộ.

Cơn bão lũ giữa tháng 10 vừa qua, gia đình chị Đến bị thiệt hại nặng nề. Gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khốn khó. Chị Đến làm đơn gửi lên công đoàn (CĐ) cơ sở Cty để nhờ hỗ trợ.

Chị Phan Thị Diễm Lệ - Chủ tịch CĐCS Cty RK Resources, chia sẻ: Khi nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của chị Đến, CĐ liên hệ với địa phương để xác minh lại thông tin. Khi có được thông tin về gia đình và hoàn cảnh đoàn viên của mình, trong chuyến công tác cứu trợ đồng bào bị lão lụt về hai huyện Nông Cống và Triệu Sơn (Thanh Hóa), đoàn đến tận nhà, trao tận tay món quà là tiền mặt 10 triệu đồng và chăn bông của công ty và CĐ đến gia đình chị Đến.

Bà Diễm Lệ cho biết thêm: Từ nhiều năm nay, CĐ và ban giám đốc công ty, mỗi năm đều tổ chức các chuyến cứu trợ bão lụt về các tỉnh miền Trung, miền Bắc với kinh phí trích từ nguỗn quỹ Tương thân tương ái do ban giám đốc Cty hỗ trợ và một phần kinh phí công đoàn.

“Đa phần CN làm việc tại nhà máy đều có quê ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, quanh năm gánh chịu thiên tai, bão lũ. Cho nên, ban giám đốc dành hẳn một nguồn quỹ để hỗ trợ cho bà con các vùng đó. Riêng CNLĐ, nếu gia đình nào ở địa phương mà đoàn công tác đến thì chúng tôi sẽ đến tận nơi, còn nếu không, anh chị em gửi thông tin về ban chấp hành CĐ, CĐ sẽ tổ chức trao quà hỗ trợ tại công ty.

Ngoài số tiền trích từ quỹ, nếu anh chị em nào muốn đóng góp thêm thì CĐ cũng tiếp nhận. Toàn bộ chi phí mà đoàn công tác đi lại đều do công ty hỗ trợ, số tiền đóng góp của anh chị em và tiền trích từ quỹ Tương thân tương ái đều được dùng 100% để hỗ trợ cho bà con vùng lũ.

Như đợt về Thanh Hóa vừa rồi, chúng tôi hỗ trợ cho bà con tổng cộng 200 triệu đồng, chưa kể phần chăn bông trị giá 800 ngàn đồng/phần của CĐ” – Chị Lệ cho biết.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều!

Hương dè dặt đặt vào tay Mỹ 500.000 đồng, nhắn: “Tớ không có nhiều, chỉ có nhiêu đây. Tớ gửi cậu đặng phụ gửi về quê, cho tớ hỏi thăm gia đình, mong gia đình cậu nhanh vượt qua khó khăn”. Không phải chị em, họ hàng, cũng chẳng phải đồng hương, Hương và Mỹ chỉ đơn giản là những người CN xa quê, vào TPHCM lập nghiệp, có duyên nên ở trọ cùng với nhau đã được 3 năm.

Hương quê ở Bạc Liêu, Mỹ ở Quảng Ngãi. Hai người cùng tuổi, làm cùng khu chế xuất Linh Trung. Mấy hôm nay mưa bão, xóm trọ của cả hai chộn rộn khác ngày thường. Không còn cảnh mỗi người ôm điện thoại mà cứ sau giờ cơm, mọi người lại tập trung về phòng xem ti vi của dãy trọ.

“Cái Mỹ ở Quảng Ngãi, nước lên dữ ri, nhà có sao không con?”; “Cái Bình ở Quảng Nam, mấy nay cô nghe thông tin vỡ đập mà muốn vỡ tim, may chỉ là tin đồn, yên tâm nghe con”…. Cứ như vậy, cô chủ trọ hỏi thăm hết từng đứa có quê đang gặp bão lũ.

Xóm trọ này có gần 20 phòng, đều là dân tứ xứ thập phương về đây trú ngụ, mưu sinh. Trong gần 80 người ở đây thì gần 50 người đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Năm nay bão đến liên miên, gần như không sót tỉnh nào. Ngoài cô chủ trọ, mấy chị em thường ngày ai việc nấy, nhưng nay đều quay sang hỏi thăm nhau, động viên nhau cố gắng.

Xóm trọ có nhà của Mỹ là thiệt hại nặng nhất, nhà sập, may mà không có thiệt hại về người. Mỹ là con đầu, gia cảnh khó khăn, Mỹ vào miền Nam làm CN, hàng tháng tích góp gửi tiền về quê để bố mẹ nuôi hai em ăn học. Nay nhà sập khó khăn chồng khó khăn.

“Bão lũ thì nhà ai cũng khổ chỉ là khổ ít hay khổ nhiều. Em đề nghị đặt một thùng quyên góp ở ngay phòng sinh hoạt này, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu, hỗ trợ cho anh chị em. Anh em mình đều quê miền Trung cả, năm nay quê né được bão thì năm sau chưa chắc đã may mắn. CN chúng mình ai cũng khổ như nhau nhưng “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chia sẻ với nhau cho ấm lòng” – Một người anh thường ngày vốn ít nói, nay mạnh dạn đề nghị.

Ý của anh được mọi người ủng hộ bởi trong cơn bão lũ, lòng người rối bời vẫn thấy được sự thương yêu, đùm bọc nhau khiến những người trong cảnh khốn khó ấm lòng. 

Bà Trương Thị Bích Hạnh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, chia sẻ thêm: Tại Bình Dương, các năm qua, nhiều CĐ cơ sở cũng chủ động gây quỹ hoặc phối hợp với doanh nghiệp tạo nguồn quỹ hỗ trợ cho các gia đình công nhân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Riêng LĐLĐ tỉnh Bình Dương, các năm qua, khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, tổ chức CĐ tỉnh Bình Dương luôn chủ động trong công tác vận động các đơn vị, mạnh thường quân quyên góp, gây quỹ để hỗ trợ cho bà con vùng lũ. Số tiền quyên góp sẽ được gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam, Mặt trận tổ quốc tỉnh Bình Dương để cùng với cả nước và với tỉnh chia sẻ với đồng bào, phần còn lại, LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ đến trực tiếp các địa phương để trao tận tay cho bà con. Tại Bình Dương, với trên 1 triệu người, người lao động là dân nhập cư, phần nhiều đến từ các tỉnh miền Trung, phía Bắc, cách làm này cũng là một phần chia sẻ với những lo lắng của anh chị em CNLĐ mỗi khi khó khăn, đặc biệt là mùa bão lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn