MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân không mong Tết, chỉ mong hết dịch

Minh Hương - Lương Hạnh LDO | 24/10/2021 17:03
Hà Nội - Trời chập choạng tối, chị Lê Thị Huyền - công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) xách theo túi thức ăn, đi bộ từ chợ về phòng trọ. Ngày cuối tuần, dù được tăng ca nhưng chị Huyền xin nghỉ vì mệt. 

Để bồi bổ cho hai vợ chồng, chị Huyền tặc lưỡi mua thêm miếng thịt và một ít trái cây.

Lương thấp, hàng chục khoản chi

Tốt nghiệp cấp 2, chị Lê Thị Huyền quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Sau đó, chị kết hôn khi mới tròn 19 tuổi, hai vợ chồng bằng tuổi nhau.

Căn bếp lọt thỏm trong một góc của phòng trọ của chị Huyền.

Kết hôn khi quá trẻ, nỗi lo cơm áo, gạo tiền và nuôi con khiến chồng chị Huyền quyết định ra Hà Nội xin đi làm công nhân. Một thời gian sau, chị cũng theo chồng ra thành phố xin việc làm để có thu nhập, cải thiện cuộc sống. “Ở nhà làm nông thì không sống được” - chị Huyền bộc bạch.

Trung bình mỗi tháng thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 10 triệu đồng. Số tiền lương ít ỏi này phải chi tiêu cho quá nhiều thứ khiến cặp vợ chồng trẻ không để ra được đồng nào. Chị Huyền liệt kê: tiền thuê nhà trọ 1,2 triệu đồng/tháng; ăn uống mỗi ngày không quá 150.000 đồng; xăng xe 500.000 đồng; gửi về cho con 2 triệu đồng; chưa kể đám hiếu, hỉ và các khoản khác…

This browser does not support the video element.

Chị Lê Thị Huyền chia sẻ về khoảng thời gian phải ngừng việc khi khu vực bị phong toả.

Đầu tháng 7.2021, thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) – nơi chị Huyền thuê trọ bị phong tỏa, chị và nhiều công nhân trong xóm trọ không thể đi làm. Cuộc sống của hai vợ chồng chỉ quanh quẩn trong căn phòng hơn chục mét vuông.

“Chúng tôi chỉ ở trong phòng, chẳng làm gì cả. Đi chợ cũng bị cấm, trong nhà có gì ăn nấy” – chị Huyền nhớ lại. Quãng thời gian khó khăn đó, 2 vợ chồng nữ công nhân chỉ trông chờ vào đồ ăn được chính quyền trợ cấp.

Hiện, chị Huyền và chồng đã quay lại công việc. Theo chị, công ty mới sản xuất lại nên mỗi tuần công nhân chỉ được tăng ca thứ 7, chủ nhật; còn chồng chỉ làm giờ hành chính.

Trước đây, chị Huyền từng tập tành bán hàng online nhưng phải bỏ dở vì “không có duyên”.

Được hỏi có mong đến Tết không? Nữ công nhân 25 tuổi lắc đầu: “Mong dịch hết thôi chứ không mong Tết. Trong thời gian giãn cách xã hội, bao nhiêu tiền bạc tích lũy đều đã bỏ ra để trang trải cuộc sống hết rồi. Giờ chỉ mong những tháng cuối năm được tăng ca để có thêm thu nhập”.

Căn phòng trọ của vợ chồng chị Huyền rộng chừng 12m2, dù vệ sinh khép kín, bếp nấu ăn trong nhà nhưng phòng trọ đã xuống cấp, ẩm mốc.

Chị Huyền chỉ chỗ xước trên tường. 

Những hôm mưa to, nước dột thẳng xuống chỗ nằm ngủ. Không còn cách nào, chị Huyền và chồng phải chuyển giường sang chỗ khác... Trên tường hằn rõ các vết xước do cọ xát với giường.

“Năm nay coi như nháp”

Đó là câu trả lời của chị Trần Thị Hoa (28 tuổi) – công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khi chúng tôi nói năm 2021 sẽ chỉ còn vài tháng nữa.

Nơi chị Hoa thuê trọ có 10 phòng, nằm ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung). Đợt giãn cách vừa qua, đa số công nhân trong dãy trọ của chị đều phải ngưng việc, giãn việc; số ít lao động tự do cũng phải bỏ về quê chờ hết dịch.

Riêng chị Hoa làm công nhân thì bị ngưng việc từ ngày 4.8 – 22.9. Còn chồng chị làm tài xế xe công nghệ cũng mới được đi làm trở lại khi thành phố dần nới lỏng.

Tính đến 15.9, đợt dịch thứ tư kéo dài đã khiến hơn 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đi cách ly, trị bệnh. Khoảng 1,3 triệu lao động đã rời thành phố để về quê.

Với chị Hoa, năm nay có quá nhiều khó khăn, các con ở quê cũng chưa dám đón lên Hà Nội cùng bố mẹ vì lo nặng gánh chi phí. Chị Hoa chỉ mong “những tháng cuối năm công việc của 2 vợ chồng ổn định để có cái Tết chu đáo hơn. Nếu cứ như thời gian vừa qua, tôi cũng chẳng muốn đến Tết”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn