MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Đình Trọng

Công nhân không thể làm việc đến 60 tuổi để hưởng lương hưu

ĐÌNH TRỌNG LDO | 20/05/2023 07:27

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp có trên 1 triệu lao động. Nhiều ý kiến cho rằng công nhân trong nhà máy không đủ sức khỏe làm việc đến 60 tuổi trở lên để hưởng lương hưu.

Kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều đại biểu thảo luận về quy định thời gian đóng BHXH và điều kiện hưởng lương hưu. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là rất tích cực. Tuy nhiên vô hình chung lại gây khó cho doanh nghiệp. Được biết, nhiều doanh nghiệp có quá nửa lao động đã đóng đủ 15 năm, nghe thông tin dự thảo này, nhiều công nhân lao động muốn nghỉ việc...

Luật sư Trương Nhật Quang - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương - cho rằng, nếu theo dự thảo chỉ cần đóng đủ 15 năm, người lao động còn phải chờ thời gian rất dài để hưởng lương hưu. Hầu hết những ngành thâm hụt lao động không muốn người lao động lớn tuổi làm việc. Người lao động trong nhà máy cũng chỉ làm việc đến tuổi trung niên, thực tế nhiều người khoảng 40-50 tuổi không thể làm việc được ở trong các nhà máy. Khi không làm việc nữa, bắt buộc người lao động chờ quá lâu mới được hưởng lương hưu - họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bà Mai Thị Hồng - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (công ty may mặc) - cho rằng, với ngành may, qua 50 tuổi, người lao động khó đảm bảo sức khỏe để làm việc và làm kéo dài đến 60 tuổi để được hưởng lương hưu. Bà Hồng kiến nghị giảm số tuổi được hưởng lương hưu xuống cho người lao động làm việc trong nhà máy.

Linh động về quy định thời gian rút BHXH 1 lần

Các ý kiến cũng cho rằng, các phương án dự kiến đề xuất sửa đổi luật về quy định rút BHXH 1 lần còn bất cập, chưa giải quyết được khó khăn thực tế khi người lao động không còn lựa chọn khác mà phải rút BHXH 1 lần nhưng chỉ được rút 50%.

Thạc sĩ Trần Thị Vân Anh - khoa Khoa học quản lí, Trường Đại học Thủ Dầu Một - cho rằng: “Quy định 12 tháng mới được rút bảo hiểm xã hội một lần là tương đối dài. Trước đây, khi chưa có dự thảo chính thức từng có quan điểm đề xuất mức thời hạn là 3 tháng, tuy nhiên 3 tháng thì quá ngắn. Về bản chất, bảo hiểm xã hội một lần có mục đích giải quyết cấp bách, tạm thời trường hợp người lao động mất việc làm, quá khó khăn, không có tiền trang trải cuộc sống nhưng để đợi khoảng thời gian 1 năm để rút được thì khá lâu. Do đó cần tạo cơ hội linh hoạt giải quyết tình huống này”.

Bà Mai Thị Hồng cũng cho rằng, những năm gần đây cuộc sống của người lao động rất khó khăn nên việc quy định 12 tháng mới được rút BHXH một lần là quá dài. “Theo tôi nên giải quyết nhanh chóng cho người lao động, tôi mong muốn luật sửa đổi quy định từ 1-3 tháng thì người lao động có thể lãnh khoản tiền này của mình để vượt qua giai đoạn khó khăn” - bà Hồng nói.

Luật sư Trương Nhật Quang cho rằng, nguồn hình thành quỹ BHXH là do người lao động đóng nên người lao động có quyền rút tiền của mình ra. Khi tính đến kế hoạch lâu dài - quỹ bảo hiểm xã hội cần nghĩ đến các giải pháp để giải quyết quyền lợi của người lao động. Đồng thời, để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần - phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp khác nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động tương xứng với số tiền họ đã nộp vào như giảm thời gian chờ hưởng lương hưu, tăng mức lương hưu, tính bị trượt giá khi trả lương hưu... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn