MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thương - công nhân Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long) giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tăng cường sức đề kháng cho bản thân nhằm phòng dịch COVID-19. Ảnh: M.Phương

Công nhân khu công nghiệp phòng dịch: Cẩn thận không bao giờ thừa

Minh Phương LDO | 02/05/2021 11:39
Trước thông tin 2 công nhân của 2 công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) dương tính với SAR-CoV-2, nhiều công nhân làm việc ở đây tỏ ra lo lắng vì dịch không chỉ ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập mà còn đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ.

Chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1998, quê ở Hà Tĩnh) - hiện là công nhân Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long). Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, và hiện giờ là gần nơi làm việc, chị Thương cho biết, công ty nơi chị làm việc vẫn luôn duy trì công tác phòng, chống dịch cho công nhân lao động.

Hàng ngày, công ty thực hiện đo thân nhiệt đều đặn cho công nhân, phát khẩu trang miễn phí hay quy định một bàn ăn chỉ được ngồi 2 người và luôn có bình sát khuẩn tay…

“Nay dịch COVID-19 ở nhiều nơi vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, tôi vô cùng lo lắng. Theo tôi, không chỉ công ty ở khu công nghiệp tăng cường phòng, chống dịch mà ngay cả công nhân sống cùng khu trọ cũng phải tự ý thức phòng dịch” – chị Thương nói.

Chị Thương luôn duy trì việc đeo khẩu trang mỗi khi đến nơi đông người (chẳng hạn đi chợ), luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tăng cường sức đề kháng của bản thân bằng cách duy trì sinh hoạt khoa học, lành mạnh.

Chia sẻ thêm về công việc, chị Thương nói, hơn một năm qua từ khi có dịch COVID-19, công ty không còn nhiều việc như trước, từ đó thu nhập của nhiều công nhân giảm sút đáng kể. Hiện chị chỉ làm 8 tiếng/ngày, công nhân trong công ty phải nghỉ luân phiên. Chị Thương bảo, chị chỉ học hết cấp 2, bằng cấp không có nên rất khó để xin công việc mới tốt hơn.

Hỏi về thu nhập, giọng Thương chùng xuống: “Tất cả được 6,5 triệu đồng mỗi tháng thôi, phải tằn tiện lắm mới có thể sống được ở đây”. Với số tiền đó, chị Thương chỉ giữ lại 2 triệu đồng để chi trả sinh hoạt phí, còn lại gửi về cho bố mẹ. Chị Thương hiện là lao động chính trong gia đình, sau chị còn có 3 người em đang tuổi ăn, tuổi học.

Do vậy, Thương chỉ mong dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn, công ty ổn định trở lại để công nhân được tăng ca, nâng cao thu nhập.

“Muốn như vậy thì từ mỗi người dân phải luôn cảnh giác, tuân thủ những biện pháp phòng dịch. Cẩn thận không bao giờ thừa” - chị Thương bộc bạch.

Còn anh Trần Huy Hoàng - công nhân một công ty sản xuất phụ tùng xe (Khu công nghiệp Thăng Long) đang cùng gia đình về thăm quê nhân dịp Lễ 30.4 - 1.5. Anh Hoàng quê ở Phú Thọ, lễ 30.4 năm nay công ty cho công nhân nghỉ 5 ngày. Khi nghe tin Khu công nghiệp Thăng Long có công nhân dương tính với SAR-CoV-2, anh rất lo lắng vì dịch không chỉ ảnh hưởng tới việc làm mà còn đe doạ tới sức khoẻ của cả gia đình.

Anh Hoàng đang thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cùng 2 con nhỏ và vợ. Nơi anh Hoàng sinh sống có khoảng 15 phòng cho thuê, hầu hết là công nhân làm việc trong khu công nghiệp ở công ty khác nhau.

Điều kiện sinh hoạt hạn chế, cả khu chỉ có 3 phòng vệ sinh chung, mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt quần áo,... cũng đều sử dụng chung. Do vậy, theo anh Hoàng, không được chủ quan, lơ là phòng dịch dù ở tại phòng trọ: "Công nhân không nên tụ tập, dù sinh hoạt ở nhà hay đi chợ cũng nên đeo khẩu trang. Ngoài ra, mỗi gia đình cần sắm thêm bình sát khuẩn tay để sử dụng mỗi khi đi làm về".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn