MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đỗ Thị Nhung - công nhân Công ty may ABC (xã Thiệu Dương, Thanh Hoá) - ngoài làm việc tại công ty còn tranh thủ giúp việc theo giờ kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC

Công nhân làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống

Đỗ Phương LDO | 29/05/2020 07:54
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều công nhân (CN) bị ngưng việc, giảm thu nhập. Trước tình trạng trên, nhiều CN phải làm thêm nghề khác như giúp việc theo giờ, bán hàng online để tăng thu nhập trang trải cuộc sống.

Bán hàng qua mạng xã hội

Chia sẻ với chúng tôi, anh Bùi Văn Thụy - CN Công ty (Cty) Máy và Thiết bị công nghiệp Lam Uy (Thanh Xuân, Hà Nội) - nói: “Từ trước đến nay, phụ nữ mới hay bán hàng “quà quê” trên mạng, chứ đàn ông như chúng tôi thường rất ít. Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch COVID-19 ảnh hưởng, vợ tôi tạm ngưng việc, một mình tôi gồng gánh không xuể. Do vậy, tôi phải nghĩ cách để kiếm thêm. Quê tôi ở Vĩnh Phúc nên cuối tuần, tôi tranh thủ về quê mang gà, rau, thịt lợn, trứng lên thành phố bán”.

Trước ngày về quê, anh Thụy sẽ đăng lên mạng xã hội cá nhân và nhóm CN trong Cty, ai đăng ký mua thì anh ghi đơn. Khách có nhu cầu mổ gà, vịt sạch sẽ, anh cũng làm luôn rồi hôm sau tranh thủ chuyển cho mọi người.

“Tuy không có ngày nghỉ nhưng tôi cảm thấy rất vui vì may sao được nhiều bạn bè ủng hộ, mỗi lần bán cả vài chục đơn là bình thường. Tiền lãi từ việc buôn bán này coi như là số tiền chi tiêu cho việc ăn uống hằng ngày trong gia đình. Còn tiền tôi đi làm dành cho các cháu đi học và các chi phí phát sinh khác” - anh Thuỵ chia sẻ. 

Còn chị Đỗ Thị Nhung - CN Cty may ABC (xã Thiệu Dương, Thanh Hoá) - cho hay, tuy dịch COVID-19, chị không mất việc làm nhưng với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng (cả tăng ca) thì không đủ sống vì chị nuôi 2 con nhỏ, công việc của chồng cũng bấp bênh không ổn định.

Chị Nhung bảo: “Đồng lương ít ỏi nên tôi đành phải nghĩ cách kiếm thêm. Do nhà gần thành phố nên tôi nhờ người quen giới thiệu công việc giúp việc theo giờ. Buổi chiều sau khi đi làm xong, nếu chủ yêu cầu, tôi tranh thủ qua rửa bát, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thời gian giúp việc chỉ chưa đến 2 tiếng, với giá 70.000 đồng/giờ. Một tháng, tôi giúp việc khoảng 12 buổi, có hơn 1 triệu đồng cho con được uống sữa ngon”.

Còn trẻ phải chịu khó lao động

Ở hoàn cảnh khác, chị Nguyễn Phương Thảo - CN Cty TNHH giày Rollsport 2 (phường Tào Xuyên, TP.Thanh Hoá) - nói rằng, do bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, Cty không ký được hợp đồng với đơn hàng ở nước ngoài. Sắp tới, nếu ai làm chưa đủ 1 năm thì bị sa thải, còn chị may mắn hơn không bị sa thải nhưng Cty chỉ cho làm 13 ngày/tháng.

Chị Thảo tâm sự: “Đối với CN bị sa thải, Cty sẽ hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản, tương đương 3,6 triệu đồng/người. Tôi làm được nửa tháng chắc chi tiêu chắt bóp may ra đủ sống. Dù chưa lập gia đình, chưa sống trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, phải chịu khó lao động. Sắp tới, tôi dự định mở quán bán nước mía, nước giải khát với chị gái ruột (chị làm cùng Cty nhưng mới bị sa thải), hai chị em sẽ mở một quầy nho nhỏ bán cho khách qua đường. Tôi nghĩ sẽ ổn”.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tại Hà Nội, gần 80% doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn