MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2022, lao động nữ muốn hưởng lương hưu tối đa khi đã đủ điều kiện về tuổi hưu thì phải đóng đủ 30 năm sẽ được hưởng 75%. Ảnh minh hoạ: M.Hương.

Công nhân lao động cần làm gì để hưởng lương hưu cao hơn?

Minh Hương LDO | 21/09/2022 06:00

Công nhân lao động cần tuân thủ đóng bảo hiểm xã hội theo đúng chế độ tiền lương và các loại phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng càng cao thì hưởng lương hưu cũng sẽ cao hơn.

Chị Phạm Thị Ngọc - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) nhận lương trung bình hơn 7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chị đóng khoảng 1,2 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội, trong đó, công ty chi trả 70% tiền đóng bảo hiểm, công nhân đóng số còn lại 30%.

Chị Ngọc cho biết - tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ phụ thuộc vào lương của tháng đó, tháng nào tăng ca nhiều thì đóng nhiều hơn, tháng nào làm ít sẽ đóng ít hơn.

"Tháng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất của tôi là hơn 300.000 đồng, tháng đóng nhiều nhất hơn 500.000 đồng. Có phải tôi đóng bảo hiểm cao hơn thì sau này sẽ hưởng lương hưu nhiều hơn?" - nữ công nhân băn khoăn.

Về việc này, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết - người lao động cần tuân thủ đóng bảo hiểm xã hội theo đúng lương và các loại phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội. Đóng bảo hiểm xã hội ở mức càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội càng tăng.

Bởi vì mức hưởng lương hưu quy định theo tuổi đời và tổng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Đối với người hưởng chế độ ngắn hạn hay hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khi tính chế độ chỉ tính lương bình quân 6 tháng, tuy nhiên với lương hưu sẽ tính theo quá trình.

Chẳng hạn, năm 2022, người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa khi đã đủ điều kiện về tuổi hưu thì: đối với lao động nữ đóng đủ 30 năm sẽ được hưởng 75%; lao động nam đóng đủ 35 năm được hưởng 75%. Theo đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Bà Dương Thị Minh Châu lấy thêm ví dụ: Nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm trước năm 1995 với mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 1 triệu  đồng. Nếu giải quyết tại thời điểm này, theo Thông tư 36/2021 quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính điều chỉnh tính thành 5,1 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ thêm về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bà Dương Thị Minh Châu cho hay - người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương  và các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.   

Theo đó, mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận.

Phụ cấp lương theo quy định là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm;

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn